Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ép học chữ sớm làm “mất” tuổi thơ của trẻ

(Dân sinh) - Thời điểm này thay vì cho con được vui chơi, nhiều gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1 đã sốt sắng tìm lớp để con “đọc thông, viết thạo” vì lo sợ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới nặng hơn sách cũ, vào năm học con tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn, sẽ bị lạc lõng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Ép học chữ sớm làm “mất” tuổi thơ của trẻ - Ảnh 1.

Dạy chữ sớm cho trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Sốt sắng cho trẻ đi học chữ sớm

Năm học 2021- 2022, con gái đầu của chị Mai Anh, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào lớp 1, nên ngay sau Tết (Âm lịch), chị cùng các phụ huynh khác rục rịch tìm lớp cho con học đọc, học viết. "Tôi tính hè mới cho con đi học để con đỡ bỡ ngỡ trước khi vào lớp 1, nhưng thấy nhiều phụ huynh nói chương trình SGK mới có phần nặng hơn. Vậy nên vợ chồng tôi đã cho con đi học từ đầu tháng 3. Lớp học có 20 bạn, ban đầu để trẻ làm quen cô chỉ dạy 1 tuần 1 buổi vào sáng chủ nhật, thời gian một buổi học 3 tiếng với giá 150000 đồng. Khi các con dần quen sẽ tăng lên tuần 2 buổi", chị Mai Anh cho biết.

Sau giờ học ở Trường mầm non về, bé Quốc Huy ở Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) được mẹ cho đi học đánh vần, luyện chữ. Mẹ của Quốc Huy cho biết: Năm nay lớp 1 lại học theo chương trình SGK mới nên tôi đã cho con đi học từ đầu tháng 3. Lớp chỉ có 10 cháu để cô giáo dạy và kèm kỹ hơn. Tuần học 2 buổi, thời gian học 2 tiếng với giá 60000 đồng/buổi. Cũng thương con, nhưng nếu không cho đi học, khi vào lớp 1, sợ con chậm hơn các bạn vì đa số phụ huynh đều cho con đi học trước rồi".

Cùng chung nỗi lo lắng khi con chuẩn bị vào lớp 1, chị Kim Thoa, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: "Lúc đầu hai vợ chồng tôi tính không cho con đi học thêm, vì ở trường mầm non cháu cũng đã được làm quen với bảng chữ cái. Tuy nhiên, thấy nhiều bạn đều đi học do vậy tôi cũng đã cho con đi học để khi vào lớp 1 con không bị bỡ ngỡ".

"2 năm trước, đứa lớn vào lớp 1, vợ chồng tôi cũng không cho con học trước, nhưng đến khi học chính thức, có đến 80% trẻ trong lớp đã biết đọc, biết viết, làm toán. Cô giáo nói, do con không đi học trước nên lúc nào cũng chậm hơn các bạn khiến cô mệt mỏi. Rút kinh nghiệm, năm nay đứa thứ 2 sắp vào lớp 1, vợ chồng tôi đã tìm ngay lớp học cho cháu", anh Thành ở Long Biên (Hà Nội) cho biết.

Theo ghi nhận, thời điểm này đã có nhiều lớp học được mở ra để dạy trước cho các bé chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2021 - 2022. Với lịch học 2 buổi/tuần, thời gian 2 - 3 tiếng/buổi, mức giá dao động từ 45 -150000 đồng/buổi. Lớp học có từ 10 đến 20, 30, 40 học sinh/lớp. Câu chuyện cho trẻ học trước khi vào lớp 1 không còn là mới. Tuy nhiên, so với các năm trước, tầm tháng 7, tháng 8 phụ huynh mới cho con đi học, nhưng năm nay lại diễn ra khá sớm. Ngoài lý do chương trình SGK lớp 1 mới nặng hơn, đa số phụ huynh đều chung tâm lý lo lắng do sĩ số lớp học quá đông, khiến cô giáo không thể sát sao, quan tâm tới từng học sinh. Hơn nữa, cho con đi học sớm, các thầy cô giáo sẽ giúp con cách cầm bút đúng, viết đúng ly, đúng nét, rèn chữ đẹp giúp các con tự tin hơn khi vào năm học mới...

Theo các chuyên gia giáo dục, học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1.

Ép trẻ học chữ sớm làm mất tuổi hồn nhiên của trẻ

Về việc phụ huynh lo lắng cho trẻ học trước khi vào lớp 1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh khẳng định: Dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học. Nếu ép trẻ luyện viết quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện như cơ quan thần kinh phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý về sau của trẻ.

Theo các chuyên gia giáo dục, học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1. Với những trẻ biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau vài tuần, trẻ sẽ chủ quan khi cô giảng, trong khi đó những trẻ không được học trước chương trình sẽ háo hức và tập trung hơn. Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá chú trọng đến việc trang bị kiến thức, mà cần chuẩn bị sẵn cho trẻ tâm lý vui vẻ, thoải mái, thân thiện khi bước vào ngôi trường tiểu học. Trẻ cần được hướng dẫn để nhận biết những vật dụng quen thuộc, biết tự chăm sóc, biết biểu lộ cảm xúc; sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong giao tiếp, biết sơ lược về con số, chữ cái. Ép trẻ học chữ sớm là không đúng và làm mất tuổi thơ hồn nhiên của trẻ. 

"Nhiều bé tuy biết đọc, biết viết, nhưng thực tế lại mắc nhiều lỗi như: Viết chữ sai quy cách, ngồi không đúng tư thế... Những trường hợp này uốn nắn khó hơn so với những bé bắt đầu học", chia sẻ của một giáo viên dạy lớp 1.