Theo đó trong tháng 7, EVN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện giảm giá bán điện cho đối tượng sinh hoạt, đồng thời giảm giá các tháng 4, 5, 6 cho các khách hàng thuộc đối tượng cơ sở lưu trú du lịch cập nhật đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu trước 16/7.
Tháng 6, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của EVN đạt 22,01 tỷ kWh, tăng 1,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 733,8 triệu kWh mỗi ngày, tăng 10,54% so với tháng 5. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 6 tháng ước đạt 103,17 tỷ kWh, tăng 2,29% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 119,42 tỷ kWh, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng điện truyền tải tháng 6 đạt 18,41 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng đạt 100,06 tỷ kWh, tăng 1,15% so cùng kỳ năm trước.
Về việc một số khách hàng cho rằng hiện tượng hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường, EVN cho biết đã phối hợp Hội bảo vệ Người tiêu dùng và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ nguyên nhân.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường, mục đích của đợt kiểm tra là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác mua bán, đo đếm điện năng.
Đặc biệt, trong thời gian qua, ở Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành trong cả nước xuất hiện những trường hợp có số công tơ điện tháng 6 tăng đột biến so với các tháng trước đó.
Trên địa bàn TP.Hà Tĩnh có 40.000 khách hàng sử dụng điện. Trong đó có hơn 6.000 khách hàng có số sản lượng điện thời gian vừa qua tăng đột biến trên 100% so với các tháng trước đó. Trong số hơn 6.000 khách hàng này, đơn vị lọc ra và kiểm tra trực tiếp hồ sơ, số điện 3 tháng liền kề của 100 khách hàng. Đặc biệt, đơn vị sẽ lấy xác xuất 30 công tơ để về chạy thực nghiệm xem công tơ chạy đúng hay sai.
Tại Quảng Ninh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cũng tiến hành kiểm tra đột xuất về đo lường tại Điện lực Vân Đồn (Công ty Điện lực Quảng Ninh) để làm rõ việc hóa đơn tiền điện tăng cao tại huyện Vân Đồn.
Điện lực Vân Đồn hiện đang quản lý hơn 16.000 công tơ điện xoay chiều một pha và ba pha kiểu cảm ứng và điện lực. Tại buổi kiểm tra, Điện lực Vân Đồn đã cung cấp cho đoàn hồ sơ của 6 khách hàng khiếu nại về chỉ số công tơ do “nghi ngờ” ghi sai và tiền điện tăng cao không rõ nguyên nhân từ Trung tâm chăm sóc khách hàng - Tổng Công ty điện lực Miền Bắc.
Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, kiểm tra xác suất 14 công tơ một pha treo trên lưới, lấy mẫu 10 công tơ điện xoay chiều một pha kiểu cảm ứng và điện tử để kiểm tra sai số tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy, Điện lực Vân Đồn đã có hồ sơ pháp lý đầy đủ trong hoạt động kinh doanh mua bán điện, đã thực hiện việc kiểm định các phương tiện đo theo quy định, đã lưu trữ đầy đủ giấy chứng nhận kiểm định của các phương tiện đo.
Đồng thời đã chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường; các phương tiện đo đang sử dụng đã được kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực...