Facebook đang chịu áp lực rất lớn sau khi các chính phủ ở châu Âu đe dọa sẽ ban hành luật mới nếu mạng xã hội này không nhanh chóng ra tay loại bỏ các chiến dịch tuyên truyền cực đoan hoặc những nội dung bất hợp pháp khác theo quy định hiện hành.
Ngoài Facebook, các trang mạng xã hội đông người dùng khác như Twitter, YouTube cũng đang được giám sát chặt trước nguy cơ chúng có thể bị sử dụng để thao túng các cử tri trong những cuộc bầu cử quốc gia sẽ diễn ra ở Pháp và Đức trong vài tháng tới.
Trong một thông điệp đăng tải hôm 13/4, Facebook cho biết hãng đã triệt phá khoảng 30.000 tài khoản giả mạo tại Pháp, đặc biệt là mạnh tay xóa bỏ một phần trong số đó. Theo mạng xã hội lớn nhất hành tinh, ưu tiên hàng đầu của họ là loại bỏ các tài khoản giả mạo có hoạt động đăng tải lớn và thu hút đông khán giả nhất.
"Chúng tôi đã cải tiến để nhận diện những tài khoản giả mạo dễ dàng hơn bằng cách xác định các mô hình hoạt động mà không cần đánh giá nội dung", Shabnam Shaik, một quản lý đội ngũ bảo mật của Facebook, cho biết.
Ví dụ, Facebook đang dùng phương pháp phát hiện tự động để xác định việc tái đăng tải cùng một nội dung hoặc tình trạng tăng số lượng tin nhắn gửi đi từ những tài khoản đó.
Cũng trong ngày 13/4, Facebook cũng cho đăng các quảng cáo toàn trang trên những tờ báo bán chạy nhấtcủa Đức để hướng dẫn độc giả cách phát hiện tin tức giả mạo.
Vào tháng 4, nội các Đức đã thông qua các luật mới nhằm buộc các mạng xã hội phải có vai trò lớn hơn trong việc chống lại những phát ngôn gây thù ghét trên mạng, nếu không muốn bị phạt tới 50 triệu Euro (tương đương 53 triệu USD).
Các động thái mới của Facebook diễn ra tiếp sau khi công ty áp dụng những cách thức giúp người dùng dễ dàng báo cáo về các âm mưu lừa đảo hơn trong vài tháng trở lại đây. Mạng xã hội này hiện vẫn bị cáo buộc có dính líu đến việc phát tán tin giả và sai sự thật trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.