Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Fair-play không chỉ trên sân cỏ

Theo Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA), Fair-play là những hành động, tinh thần nhân văn trong bóng đá, FIFA đã lần đầu tiên áp dụng luật Fair-play tại World cup 2018. Tuy nhiên, ngay sau trận đấu giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út, rất nhiều cổ động viên quá khích đã lăng mạ trọng tài bắt chính của trận đấu, ông Tantashev Ilgiz người Uzbekistan.

Những hành động đó đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống riêng của trọng tài và hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đối nghịch hoàn toàn với tinh thần của FIFA.

Ngay sau khi thông tin ông Tantashev Ilgiz sẽ bắt chính trong trận đấu giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út được công bố, rất nhiều cổ động viên (CĐV) đã tìm ra và "khủng bố" Facebook của ông với rất nhiều lời lẽ thô tục. Rất nhiều bình luận ác ý như: "Có biết bắt không?", "Có mắt như mù à?",... sẽ khiến trọng tài rất áp lực về mặt tâm lý. Nhưng chưa dừng tại đó, rất nhiều những bình luận đăng tải những hình ảnh chế về trọng tài đã được liên tục đăng tải và thực bùng nổ sau khi tiếng còi chung cuộc cất lên.

Fair-play không chỉ trên sân cỏ - Ảnh 1.

Rất nhiều những bình luận ác ý từ phía CĐV quá khích của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Đây không phải lần đầu tiên CĐV quá khích của Việt Nam có những hành động "khủng bố" như này. Mới đây, do CĐV Việt Nam liên tục lăng mạ trên Facebook, trọng tài người Iraq, ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi đã phải cầu cứu: "Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này". Phát ngôn của ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi như hồi chuông cảnh tỉnh hành động của CĐV Việt Nam, bên cạnh những CĐV quá khích luôn có rất nhiều những CĐV tích cực lên án những hành động "khủng bố".

Fair-play không chỉ trên sân cỏ - Ảnh 2.

Rất nhiều lời kêu gọi ứng xử Fair-play của CĐV Việt Nam sau trận đấu. (Ảnh chụp màn hình)

Trên thực tế, những hành động của những CĐV quá khích Việt Nam không chỉ sai về khía cạnh đạo đức mà còn về khía cạnh pháp luật. Căn cứ theo Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng tại các Điều 155 và 156 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017. Điều 155 - Tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Hành trình vượt qua vòng loại thứ 3 World cup 2022 khu vực Châu Á của đội tuyển Việt Nam vẫn còn rất dài và chông gai. Để đội tuyển Việt Nam vượt qua mọi thử thách và chiến thắng thì mỗi cá nhân CĐV cần nêu cao tinh thần Fair-play hơn bao giờ hết. Khi đó, hình ảnh CĐV Việt Nam sau mỗi trận đấu sẽ vô cùng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.