Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gần 97% trẻ em tại các thành phố lớn có sử dụng internet

(Dân sinh) - Theo báo cáo gần đây nhất của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.

Nhờ đó, trẻ có thể truy cập các nguồn thông tin đa chiều, ngập tràn trên internet về giáo dục, thông tin y tế, điều này giúp trẻ tăng khả năng nghiên cứu về mọi chủ đề quan tâm và giúp các em bày tỏ ý kiến của mình đối với bạn bè, gia đình và xã hội. Cũng theo số liệu đưa ra, trẻ sử dụng internet chủ yếu để học hành/ nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (58,7%).  Như vậy có thể thấy, tại Việt Nam số lượng trẻ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng internet khá cao, trẻ sử dụng trong cả mục đích dành cho học hành nghiên cứu cũng như truy cập thông tin. Số tỷ lệ phần trăm cho cả hai mục đích này khá tương đương.

Gần 97% trẻ em tại các thành phố lớn có sử dụng internet - Ảnh 1.

Phụ huynh, giáo viên nên hướng dẫn trẻ sử dụng internet và tivi an toàn, hiệu quả.

Trong những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những rủi ro có thể dẫn đến tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời. Trẻ em bị thuyết phục hoặc ép buộc để gửi hoặc đăng tải những hình ảnh tình dục của mình; tham gia những hoạt động tình dục thông qua webcam hoặc điện thoại thông minh; nói chuyện tình dục bằng tin nhắn hoặc lời thoại (sexting). Kẻ xâm hại có thể đe dọa sẽ gửi ảnh, video, thu âm hoặc đoạn tin nhắn đã được ghi lại cho bạn bè hoặc gia đình của trẻ nếu như trẻ không đồng ý tham gia những hoạt động tình dục tiếp theo. Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục trên mạng bởi người mà trẻ biết hoặc không biết. Đồng thời, trẻ có thể cảm thấy mình không thể thoát khỏi việc bị xâm hại trên mạng. Kẻ xâm hại có thể liên lạc với các em bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và những hình ảnh hoặc video về trẻ có thể được lưu trữ và chia sẻ với người khác.

Bóc lột tình dục trẻ em trên mạng là một hình thức xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi mục đích của việc xâm hại đó là vì tiền, quyền lực hay địa vị. Bên cạnh đó, một số các hành vi xâm hại trẻ còn được thể hiện như dụ dỗ trẻ em trên mạng là những hành động ban đầu mà một người lớn sử dụng để thiết lập mối quan hệ thân thiết và tạo sự tin tưởng với trẻ em nhằm mục đích xâm hại tình dục hoặc bóc lột tình dục. Trẻ em có thể bị dụ dỗ bởi người lạ hoặc cả người quen. Nhiều trẻ không biết mình đang bị dụ dỗ hoặc những hành động đó là xâm hại. Kẻ dụ dỗ có thể dùng các trang mạng xã hội, các ứng dụng để nhắn tin, trò chuyện hoặc qua các trò chơi trực tuyến kể kết nối với trẻ. Kẻ dụ dỗ có thể dành nhiều thời gian tìm hiểu về sở thích của trẻ và sử dụng những thông tin đó để thiết lập quan hệ với trẻ. Kẻ dụ dỗ không nhất thiết phải gặp trẻ ngoài thực tế để xâm hại.

Gần 97% trẻ em tại các thành phố lớn có sử dụng internet - Ảnh 2.

Trẻ có thể khám phá nhiều kiến thức từ internet, tivi.

Bắt nạt trên mạng là việc một cá nhân hoặc một nhóm sử dụng công nghệ thông tin để cố ý, lặp đi lặp lại các hành vi gây hại cho trẻ em, khiến trẻ em không thể bảo vệ được bản thân. Các hình thức bắt nạt trên mạng với trẻ em rất đa dạng, bao gồm: Gửi tin nhắn đe dọa trẻ; Tạo và chia sẻ những hình ảnh hoặc video gây tổn thương cho trẻ. Loại trẻ ra khỏi nhóm trong các trò chơi trực tuyến, các hoạt động tập thể hay các nhóm. Thành lập các trang web hay các nhóm trên mạng để công kích một trẻ cụ thể. Khích lệ việc trẻ tự hủy hoại bản thân; Ủng hộ những hành vi gây tổn hại đến trẻ. Ăn cắp mật khẩu rồi truy cập vào tài khoản của trẻ để gửi hoặc đăng tải các hình ảnh, video, thông tin gây tổn hại đến trẻ. Đăng những nhận xét, bình luận ác ý hoặc quấy rối trẻ. Gửi những tin nhắn tình dục hay phát tán các tin đồn gây tổn hại đến trẻ thông qua tin nhắn, email, mạng xã hội.

Trong thời đại số, việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng trẻ đến kiến thức, kỹ năng để trẻ khai khác thông tin mạng an toàn. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc trẻ em vào mạng internet, xem tivi bố mẹ cần ủng hộ các con làm điều này. Có rất nhiều thông tin bổ ích dành cho trẻ em bên cạnh những rủi ro mà các em gặp phải. Vì thế, phụ huynh, thầy cô cần trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng an toàn. Trong thời gian tới, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra những giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, loại bỏ những nội dung, những kênh thông tin sai lệch, cũng như có 1 kênh phản hồi về những nội dung không phù hợp với trẻ em.

Đồng tình với quan điểm này, NSƯT Xuân Bắc cho rằng: "Xem tivi cũng là 1 cách học, điện tử cũng là 1 cách chơi, nhưng không phải để các con đắm chìm, mất kiểm soát. Phụ huynh nên hướng hướng các con xem những nội dung phù hợp với lứa tuổi của mình".