Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gắn kết Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng GDNN

Ông Nguyễn Hồng Minh Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu khai mạc.

Úc đẩy mạnh hợp tác GDNN với Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, công tác GDNN của Việt Nam trong thời gian qua đã có chuyển biến rõ rệt, từng bước khắc phục khó khăn, yếu kém. Để nâng cao chất lượng đào tạo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, Bộ LĐTBXH giao Tổng cục GDNN xây dựng một loạt giải pháp đồng bộ, gồm các giải pháp như: trao truyền tự chủ cho nhà trường, gắn kết đào tạo gữa doanh nghiệp và nhà trường, hoạch định lại, chuẩn hóa chất lượng GDNN, tăng cường quản lý, hợp tác quốc tế…  Trong đó, Australia là một trong các đối tác chiến lược trong GDNN của Việt Nam. 

Đến nay đã có tổng số 318 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ để giảng dạy theo quy định của Australia, trong đó có 193 giáo viên đã được Học viện Chisholm kiểm định, đánh giá và đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thí điểm theo quy định của Học viện Chisholm. Về cơ bản, các trường đã đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy chuyên môn cho đào tạo thí điểm.

Hiện nay đã có 769 sinh viên trên tổng số 888 sinh viên của 41 lớp theo kế hoạch đã kết thúc học kỳ 1. Kết quả học kỳ 1, 100% sinh viên đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá giỏi chiếm hơn 70%. Kết quả đánh giá của học kỳ 1 đã được cập nhật trên websibe quản lý học sinh, sinh viên của học viện Chisholm.
 
 
 Bà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Australia tại Việt Nam

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội cho biết, hiện trường đang đào tạo 3 nghề: điện tử công nghiệp, cơ điện tử và thiết kế đồ họa theo Chương trình của học viện Chisholm. Khi tham gia các chương trình này, trường có nhiều lợi ích, được sử dụng các chương trình tiên tiến nhất của Australia; sau khi học xong, học sinh được cấp văn bằng chứng chỉ của Việt Nam và Australia, học sinh có thể tham gia thị trường lao động Australia và các nước phát triển khác. Khi học Chương trình này, yêu cầu tiếng Anh rất cao nên vốn ngoại ngữ của các em cũng tăng lên đáng kể, có thể tham gia được nhiều doanh nghiệp đa quốc gia. Cán bộ giáo viên cũng được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, điều kiện, trang thiết bị vật chất, cơ sở máy móc được đầu tư đồng bộ, rất tốt. Với những lợi thế như vậy, Chương trình thu hút được rất nhiều học sinh đăng ký cho các khóa học mới. 

Tại buổi tiếp Trung tâm dạy nghề quốc gia Úc do ông Stephen Marks - Chủ tịch HĐQT học viện Chisholm làm trưởng đoàn mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, sắp tới Việt Nam và Úc sẽ thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề về GDNN, đặc biệt trên một số lĩnh vực như: quy hoạch dự báo cung cầu, quy hoạch phát triển GDNN trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, CNTT... Ông Stephen Marks khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược trong lĩnh vực GDNN của Australia, và nước bạn sẽ tiếp tục triển khai các dự án triển vọng trong tương lai.

Đào tạo nghề chất lượng cao, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Theo bà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Australia tại Việt Nam, kinh nghiệm phát triển GDNN tại Australia là thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Hiện Australia có một tổ công tác chuyên về truyền thông lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề để quảng bá lợi ích, vị thế của đào tạo nghề đến các doanh nghiệp.

Trước thách thức của cuộc cách mạng 4.0, Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng, công tác GDNN buộc phải chuyển mình để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, không chỉ có GDNN mà cần sự tham gia của toàn xã hội. 
 
 
Các đại biểu tại Hội thảo.

Gắn kết doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN là một yếu tố quyết định đến chất lượng lao động sau khi tốt nghiệp. Nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, trường đã phối hợp khá chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, (theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp); gửi sinh viên đến đào tạo tại doanh nghiệp (1/3 tổng thời gian). Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra các yêu cầu đang diễn ra tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó trường điều chỉnh chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo thêm các kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài ra, giữa nhà trường và doanh nghiệp còn có các hoạt động đào tạo lẫn nhau: nhà trường đào tạo kỹ năng đào tạo cho doanh nghiệp; doanh nghiệp lại cử cán bộ đến đào tạo cho sinh viên. Một điểm đáng lưu ý là Nhà trường đã tổ chức thẩm định, đánh giá năng lực nghề cho sinh viên, có mời doanh nghiệp tham gia và có thể tuyển dụng sinh viên đạt yêu cầu. 
 
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp như trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động GDNN hiện nay vẫn còn thiếu hình ảnh của doanh nghiệp do doanh nghiệp chưa nắm được chính sách và tham gia vào GDNN, nhiều nơi việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu. 
 
Để khắc phục những bất cập này, giải pháp được đưa ra là cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý Nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải hệ thống lại các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và đặt ra khung quản lý và cơ chế tham vấn cần thiết để đảm bảo một hệ thống bền vững.

Bài và ảnh: Thảo Vân/ GĐTE