Nhiều nơi giá đất tăng rất mạnh trong một thời điểm, ban đầu người ta nói đó là "giá ảo" nhưng chỉ sau một thời gian thì trở thành "giá thật", bởi giao dịch thực tế diễn ra rất mạnh và mức giá vẫn tiếp tục tăng...
Ở khu vực gần dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), trước đây 1 công đất (1.000m2) có giá tầm vài trăm triệu. Có người từng mang mấy tỷ đi mua 1ha, bị những người khác bảo "có vấn đề tâm thần". Nhưng bây giờ đất ở khu vực này không còn bán theo công hay mét ngang như trước mà đã được tính theo m2 với giá chục triệu đồng. Thậm chí, những vị trí "đắc địa" có giá mấy chục triệu, đắt ngang đất Sài Gòn.
Ở gần một "điểm nóng" bất động sản khác là vùng Hồ Tràm - Hồ Cốc (Bà Rịa - Vũng Tàu), những khoảnh đất nằm hai bên đường đã được nhiều người săn lùng từ mấy năm trước giờ có giá chênh khá lớn. Lý do bởi một bên đường được quy hoạch là "lõi đô thị", chủ đất có thể chuyển thành đất thổ cư với quyền sử dụng lâu dài, còn bên kia đường là đất dịch vụ, chỉ cấp quyền sử dụng thời hạn 50 năm. Những người biết trước quy hoạch đã "ăn đậm".
Dân kinh doanh bất động sản cho biết, về cơ bản giá đất mọi nơi đều tăng theo thời gian. Nhưng mức tăng thì "không nơi nào giống nơi nào" bởi nó ảnh hưởng rất nhiều bởi thông tin về phát triển hạ tầng từng khu vực. Nơi nào có dự án, kế hoạch phát triển hạ tầng thì giá đất "nhảy múa" với mức tăng đột biến. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, khi thành phố công bố kế hoạch "nâng cấp lên quận" đối với 5 huyện ngoại thành thì chỉ sau chừng 3 - 4 tuần, giá đất ở nhiều nơi thuộc 5 huyện đã tăng tới 20%. Những thông tin về chiến lược phát triển TP. Đà Nẵng cũng vô hình chung thúc đẩy giá đất (giao dịch tự do) biến động sau thời gian dài "ngủ đông"...
Đặc biệt, một trong những "chiêu thức" mà giới "cò đất" thường sử dụng để "thổi" giá đất là tung ra những "tin đồn" pha trộn giữa hư và thực. Xuất phát từ một "chủ trương" có thể đã được phê duyệt hoặc chưa, họ lập tức "vẽ" ra những "dự án" mở đường, làm cầu, còn không quên "vẽ" thêm cả những trường học, bệnh viện, siêu thị... khiến người có nhu cầu mua đất như rơi vào "mê hồn trận", chấp nhận móc hầu bao mua đất với giá "cắt cổ". Một số người cẩn thận hơn, tìm cách tiếp cận cơ quan có chức năng quản lý quy hoạch để "hỏi cho ra lẽ" nhưng thông tin được cung cấp thường rất nhỏ giọt và không rõ ràng.
Chính sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong cung cấp thông tin về quy hoạch đã góp phần tạo nên những cơn "sốt giá đất". Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng có quy trình cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân một cách rõ ràng, minh bạch. Nhưng thực tế, điều này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Một phần bởi quy trình này còn có những quy định khá nhiêu khê, không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận đầy đủ, nhanh chóng.
Để ngăn chặn được những cơn "sốt giá đất", thiết nghĩ không có cách nào tốt hơn là cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân một cách công khai, dễ hiểu ngay sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.