Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Gia đình - Điểm tựa cho người khuyết tật vươn lên

 
Ngày càng có nhiều NKT đã tìm được tổ ấm hạnh phúc riêng của mình.   
 
Gia đình - điểm tựa 
 
“Gia đình - Điểm tựa cho người khuyết tật vươn lên không ngừng” - là hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” do Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội tổ chức. Chương trình nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam và tri ân các thành viên gia đình đã luôn sát cánh, ủng hộ, giúp đỡ bạn đời, người thân của mình trong hành trình vì sự bình đẳng, hòa nhập và hạnh phúc của NKT.
 
Gia đình là một tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình - điểm tựa cho NKT vươn lên - là thông điệp gửi gắm tới toàn xã hội nói chung và NKT nói riêng, thực hiện mục tiêu trong Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Trên thực tế, nhận thức của xã hội và NKT đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực từ khi Luật Người khuyết tật có hiệu lực (năm 2011) và Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT (năm 2014). Ngày càng có nhiều NKT đã tìm được tổ ấm hạnh phúc riêng của mình, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều NKT, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, gặp khó khăn trong việc xây dựng gia đình, do rào cản về sự kỳ thị, phân biệt đối với phụ nữ khuyết tật.
 
Dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, nhưng những người khuyết tật vẫn luôn cất cao tiếng hát lạc quan, yêu đời. Mưu cầu hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân là quyền của mỗi người, không phân biệt khuyết tật hay lành lặn. Tình yêu không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, thân phận, hoàn cảnh, hình thức... Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu của NKT nằm ở chính sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông và sẻ chia ở mọi lúc, mọi nơi. Những người đàn ông khuyết tật vẫn là trụ cột vững chắc của gia đình khi được bồi đắp bằng sự hy sinh, tình yêu của người phụ nữ bên cạnh họ. Với những người phụ nữ khuyết tật, gánh trách nhiệm làm vợ, làm mẹ nặng nề trên vai, nhưng bằng tất cả nỗ lực, sự chịu đựng, nhẫn nại và can đảm, với tình yêu cùng chỗ dựa là người bạn đời, họ hoàn toàn có thể đảm đương sứ mệnh "giữ lửa" cho gia đình êm ấm, hạnh phúc. Cuộc sống gia đình có thành viên bị khiếm khuyết vất vả trăm bề, nhưng trong tình yêu, hôn nhân, họ lại có được hạnh phúc tròn đầy. 

Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu của NKT nằm ở chính sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông và sẻ chia ở mọi lúc, mọi nơi.
Hạnh phúc gia đình của người khuyết tật
 
NKT tuy có hoàn cảnh khác nhau, dạng tật khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là trong muôn vàn khó khăn vẫn biết vun đắp tình yêu, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi con cái mạnh khỏe, trưởng thành.
 
Tai nạn giao thông làm chị Nguyễn Thị Xuân Ánh và anh Nguyễn Tiến Dũng (Hoài Đức) phải sống phụ thuộc vào xe lăn. Những ngày đầu, cuộc sống của Ánh, Dũng thật vất vả, họ phải tập làm quen với chiếc xe lăn và tự chủ trong cuộc sống. Nhớ lại những ngày đầu khi đến với nhau, chị Ánh nói: Từ nhà anh Dũng sang nhà em phải đi qua con đê cao, trơn. Để đến thăm em, anh ấy đã nhiều lần bị đổ xe. Nhưng tình yêu là một liều thuốc kỳ diệu để người ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Sau đám cưới, mọi thứ đều phải tính toán, công ăn việc làm, rồi khi sinh con, nuôi con... Mọi công việc từ bé đến lớn, vợ chồng Dũng và Ánh đều đem ra bàn bạc, tìm hướng giải quyết tốt nhất. Bằng nghị lực, sự chủ động vươn lên trong cuộc sống, đến nay, chị Nguyễn Thị Xuân Ánh là Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật và anh Nguyễn Tiến Dũng là Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Hoài Đức. 
 
Đến với nhau từ những ngày theo học lớp tiếng Anh buổi tối tại Viện Đại học Mở Hà Nội, cặp vợ chồng khiếm thị Ngô Quang Hiếu và Lương Thị Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu khi cả hai ra Hà Nội lập nghiệp, Ngô Quang Hiếu cho biết: Em quê ở Đà Nẵng, còn Hương quê ở Phú Thọ. Vào thời điểm đó, những người khiếm thị như bọn em chưa có nhiều cơ hội học đại học chính quy như bây giờ, hơn nữa, cả hai đều phải vừa đi học, vừa lao động kiếm sống khi xa quê. Chúng em đã làm đủ mọi nghề như masagge, trực điện thoại, bán hàng, phụ quán ăn, trông trẻ... Chính bởi sự đồng cảm từ những gian khó ấy mà họ nương tựa vào nhau, 5 năm cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, miệt mài học tập và nhận tấm bằng cử nhân Anh văn loại khá. Hiện Ngô Quang Hiếu là Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàng Mai, với công việc hằng ngày mà anh yêu thích là dạy chữ nổi, kết nối nhóm tình nguyện, phát triển CLB tiếng Anh, hướng dẫn công nghệ thông tin cho người khiếm thị. Còn chị Hương, ngoài thời gian làm việc tại Bệnh viện Việt-Pháp, lại tranh thủ đi dạy gia sư để có thêm thu nhập. Cả hai đang đồng hành cùng học một khóa nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối tuần, cùng nhau học tiếng Nhật, rèn luyện tiếng Anh trên mạng. Họ đang dần ổn định cuộc sống gia đình, nhưng không quên động viên nhau tiếp tục trau dồi kiến thức để có điều kiện giúp đỡ người khác.
 
Anh Lê Minh Trí (Hội NKT quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Tôi biết, nhiều người phụ nữ có nhan sắc, có bằng cấp, vì tình yêu và mến phục người mình yêu mà vượt qua mọi khoảng cách để đến lập gia đình với NKT. Hạnh phúc không phân biệt ai, khi mình trân trọng và nâng niu và hiểu rằng đời sống gia đình có cả những gian nan và ngọt ngào.
 
Trong nhiều năm gần đây, NKT ngày càng được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt cả về vật chất và tinh thần, cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật và các biện pháp được thực thi trong thực tiễn cuộc sống để NKT hòa nhập tốt hơn. Trong cuộc sống, như bao người lành lặn, NKT cũng có những nhu cầu, khát khao có được tình yêu, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, quan tâm đến NKT, bên cạnh sự trợ giúp về vật chất còn cần quan tâm đến gia đình của NKT. Bởi gia đình là chỗ dựa, là nguồn động lực cổ vũ mạnh mẽ NKT vươn lên, lao động, học tập và cống hiến. Hy vọng, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa tới NKT, tạo môi trường bình đẳng cho NKT có điều kiện tiếp cận và hòa nhập tốt hơn. 

Thế Dũng/TC GĐ&TE