Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018- 2020) được Bộ Y tế công bố ngày 15/4/2021, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6%, được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tuy đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam vẫn là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất với 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Biếng ăn kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng, trong đó có tình trạng suy dinh dưỡng, khiến trẻ có nguy cơ bị tổn thương não bộ và thể chất lâu dài.
Khi biếng ăn, trẻ không có cơ hội hấp thu đủ các vi chất quan trọng cơ thể cần, nếu thiếu dù là một lượng nhỏ lại có thể gây ra tác hại vô cùng lớn như: thiếu kẽm và selen thường khiến trẻ suy giảm khả năng miễn dịch; thiếu vitamin D, canxi, K2 gây còi xương, rối loạn tăng trưởng; thiếu vitamin A có thể gây ra tiêu chảy, chậm phát triển tinh thần và vận động…
Tình trạng trẻ biếng ăn khiến cha mẹ lo lắng, sốt ruột, có thể dẫn đến những sai lầm trong việc bổ sung dinh dưỡng cho con, khiến trẻ không những ăn không ngon miệng, mà còn gặp những vấn đề về tiêu hoá, thậm chí dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm khác như: nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) sốt, tiêu chảy… và trầm trọng nhất là suy dinh dưỡng.
Trả lời thắc mắc của các bậc cha mẹ về việc làm thế nào để trẻ có thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng thì và có một hệ tiêu hoá khỏe mạnh, tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề “Giải pháp cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng” do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:
Muốn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, sự phát triển của em bé phụ thuộc vào 1.000 ngày đầu thời. Khi mẹ chuẩn bị mang thai và mang thai phải chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt, có chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp thai nhi nhận đủ được năng lượng, vi chất và kháng thể để cơ thể phát triển tốt. Em bé sinh ra đủ tháng, cân nặng đủ tiêu chuẩn là tiền đề để thiết lập một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ thể hiện ở vấn đề giải phẫu mà còn khỏe mạnh bởi các enzym được tiết ra và các vi sinh vật trong đường ruột. Cách thức bà mẹ sinh con cũng rất quan trọng. Những bà mẹ không may mắc bệnh lý hoặc không thể chuyển dạ bình thường thì mới sinh mổ. Những bà mẹ có sức khỏe tốt, giữ được bộ phận sinh dục sạch sẽ không bị viêm nhiễm nên sinh con thuận tự nhiên, bởi việc sinh thường cung cấp các lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hóa của con.
Khi trẻ vừa sinh ra nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt, trừ khi mẹ mổ đẻ hoặc tác động bằng các thuốc gây mê. Trong sữa mẹ có chất đạm, đường, béo, oligo sacarit (HMO); thành phần oligo sacarit là nguồn thức ăn cho hệ vi sinh đường ruột của bé phát triển, là thành phần giúp cạnh tranh bám dính với các tác nhân gây bệnh và kích thích với hệ miễn dịch của bé. Trong sữa mẹ cũng có các lợi khuẩn và latoferrin có yếu tố kích thích sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột, do đó bé nên bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Ăn bổ sung đúng hợp lý cũng giúp đường tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc và môi trường bên ngoài cũng tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ. Cha mẹ nên cho bé sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và các nhân viên y tế. Bảo vệ môi trường bên ngoài sạch sẽ để bé phát triển tốt không mắc các bệnh đường tiêu hóa. Nếu chẳng may bé mắc các bệnh về tiêu hóa nên cho trẻ đi khám nhi khoa, không tự ý điều trị tại nhà.