
Trẻ em nếu có thể tự giải quyết tranh chấp với anh chị em của mình, khi lớn lên sẽ có kỹ năng giải quyết sự khác biệt và quản lý các mối quan hệ với người khác tốt hơn.
Vì sao anh chị em dù yêu quý nhau vẫn có lúc xung đột?
Hai cô con gái nhỏ nhà chị Huyền Thanh cãi nhau gần một tiếng đồng hồ chỉ để phân định xem đêm nay ai được nằm giữa. Cuộc tranh cãi bất phân thắng bại, không ai chịu nhường ai, chị Thanh quyết định mẹ nằm giữa là công bằng nhất, nhưng cô chị không chịu. Cô bé lấy lý do, bấy lâu nay mẹ chỉ quan tâm đến em, không quan tâm đến con, hôm nào mẹ cũng nằm giữa, sao không thể cho con nằm giữa một hôm?! Người mẹ nói thế nào cô bé cũng nhất quyết phải nằm giữa không thì nó thà nằm đất chứ không chịu nằm rìa.
Thực ra, nguyên nhân sâu xa của xung đột này không chỉ ở câu chuyện “ai nằm giữa” mà bởi vì từ khi sinh bé thứ 2, người mẹ đã quá quan tâm cô em mà lơ cô chị, khiến cho đứa trẻ cảm thấy bị “ra rìa” và nảy sinh lòng ghen tị. Trong trường hợp này, để giải quyết triệt để vấn đề, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn tới bé lớn và nói cho bé hiểu vì em còn nhỏ nên cha mẹ bắt buộc phải dành nhiều thời gian để chăm sóc em. Ngày trước, khi con còn nhỏ, cha mẹ cũng chăm sóc con như em bây giờ. Cha mẹ luôn yêu thương cả hai chị em như nhau, không ai hơn ai.
Trong một số trường hợp, xung đột xảy ra giữa anh chị em trong gia đình không phải để tranh giành sự quan tâm của cha mẹ, mà nó xuất phát từ sự khác biệt về thói quen và tính cách, hoặc do độ tuổi quá chênh lệch. Người anh thích nghe nhạc Kpop, nhưnng em lại thích phim hoạt hình, chúng thường xuyên đánh nhau để giành quyền kiểm soát điều khiển tivi. Hay người chị không thích bật đèn khi ngủ vì ánh sáng làm khó ngủ, nhưng người em sợ bóng tối và nếu không bật đèn ngủ hoặc đèn bàn thì không thể nào ngủ được. Hai chị em nếu không có phòng riêng, phải ngủ chung phòng thì chắc chắn sẽ có một cuộc chiến bùng nổ trước mỗi giờ đi ngủ.
Anh chị em trong nhà đôi lúc mâu thuẫn, xích mích là chuyện hết sức bình thường, nhưng chuyện này nếu xảy ra thường xuyên thì không chỉ khiến các bậc cha mẹ căng thẳng mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ anh chị em sau này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hung hăng và ganh đua giữa anh chị em ruột, nếu không được xử lý sớm có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ.

Anh chị em trong nhà đôi lúc mâu thuẫn, xích mích là chuyện hết sức bình thường, nhưng chuyện này nếu xảy ra thường xuyên không chỉ khiến các bậc cha mẹ căng thẳng mà nó còn ảnh hưởng đến mối quan hệ anh chị em sau này.
Làm thế nào khi anh chị em bất hòa?
Ðể nuôi dưỡng mối quan hệ hài hòa giữa anh chị em trong gia đình, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau:
Ðầu tiên, hãy dạy trẻ xử lý xung đột một cách tích cực. Những đứa trẻ được dạy cách quản lý các bất đồng theo hướng tích cực bằng cách lắng nghe quan điểm của anh chị em mình hoặc không tham gia vào việc chỉ trích, sẽ có tâm thế tốt hơn để giải quyết các tranh chấp và bỏ qua việc đánh nhau. Trẻ em nếu có thể tự giải quyết tranh chấp với anh chị em của mình, khi lớn lên sẽ có kỹ năng giải quyết sự khác biệt và quản lý các mối quan hệ với người khác tốt hơn.
Cha mẹ cần nói cho trẻ biết, anh chị em hòa thuận là điều quan trọng đối với mỗi gia đình. Giải thích với con rằng, gia đình giống như một đội, và đã là một đội thì tất cả các thành viên cần yêu thương, bao bọc, hỗ trợ nhau. Bất kỳ cuộc chiến nào giữa các thành viên trong gia đình đều có thể làm tổn thương cả đội.
Nếu xung đột giữa trẻ không quá lớn, cha mẹ không nhất thiết phải can thiệp ngay. Một số trẻ tự biết cách dàn xếp và giải quyết vấn đề. Nhưng đa phần, trẻ nhỏ chưa thể tự xử lý khủng hoảng này. Nếu cuộc tranh cãi trở nên gay gắt hoặc có sự gây hấn bằng lời nói hay hành động, cha mẹ nên can thiệp ngay lập tức. Hãy ngồi xuống để trò chuyện với trẻ và hỏi về những gì đã xảy ra, nói cho trẻ biết rằng mọi hành vi gây hấn dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận trong nhà của bạn.
Khi xung đột, đứa trẻ nào cũng cho rằng mình đúng. Là cha mẹ, bạn hãy lắng nghe cả hai phía. Hãy để mỗi đứa trẻ cảm thấy chúng đang được lắng nghe mà không bị phán xét hay cắt ngang. Thông thường, trẻ em cảm thấy tốt hơn nhiều sau khi trút bầu tâm sự với cha mẹ về một vấn đề, đặc biệt là khi chúng cảm thấy rằng mình có thể nói rõ quan điểm và được lắng nghe một cách công bằng.
Không chỉ lắng nghe trẻ, cha mẹ hãy khuyến khích con biết lắng nghe ý kiến của người khác và học cách tôn trọng sự khác biệt.
Khuyến khích trẻ nêu cụ thể và nêu rõ vấn đề. Ðể giải quyết xung đột giữa anh chị em trong gia đình, trẻ nên tập trung vào vấn đề và giải pháp, thay vì trình bày mãi nguyên nhân. Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ đưa ra một số giải pháp để giải quyết xung đột một cách công bằng. Khuyến khích con đặt mình vào vị trí của người khác trước khi đưa ra đề xuất.
Trẻ em quan sát và học hỏi từ cha mẹ, chúng học cách giải quyết xung đột từ cách chúng ta xử lý các vấn đề với vợ/ chồng, bạn bè và gia đình của mình. Nếu cha mẹ có thể giải quyết các xung đột và bất đồng một cách văn minh và lịch sự dựa trên sự tôn trọng và tình yêu thương, con cái sẽ học hỏi và áp dụng những kỹ năng giải quyết xung đột này.