Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Mizuho Okmoto Kaewtathip, Trưởng chương trình Chính sách xã hội và Quản trị, tổ chức UNICEF Việt Nam; ông Steve Ashley, chuyên gia tư vấn quốc tế; đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế; đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện các trường đại học, Viện nghiên cứu, các Vụ, Cục thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu nhằm xác định các lỗ hổng chính sách để tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội ứng phó hiệu quả với các cú sốc, nâng cao khả năng chống chịu của trẻ em và gia đình.
Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, biến đổi khí hậu dẫn đến hàng năm có hàng trăm ngàn hộ gia đình chịu ảnh hưởng mất nhà cửa, có người chết, người bị thương, mất phương tiện sản xuất… Theo thống kê, hàng năm thiên tai hỏa hoạn, mất mùa đã dẫn đến trên 1 triệu hộ gia đình thiếu đói cần được hỗ trợ vào các dịp giáp hạt (tháng 3-4) và dịp Tết Nguyên đán, hàng chục nghìn người bị mất việc làm, trẻ em bị sao nhãng, thiếu sự chăm sóc của gia đình. Đặc biệt, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu không những làm thiệt hại về người và của mà nó còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tinh thần của người dân, nhất là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó trẻ em là một trong những đối tượng bị tác động nặng nề nhất. Thiên tai không những làm các em có thể bị mất đi những cơ hội trong lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng, y tế và bảo trợ xã hội mà còn tăng nguy cơ lao động trẻ em, bị lạm dụng tình dục, bạo hành về tinh thần, sống phụ thuộc vào cha mẹ, những người chăm sóc để tồn tại trong những thời điểm khó khăn.
TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày thực trạng và giải pháp theo Đề án đổi mới trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, trong đó có 40 trẻ em. Bước sang năm 2018, mặc dù không có những cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam nhưng thiệt hại do thời tiết cực đoan cũng rất lớn với tổng số 224 người chết và mất tích, trong đó có 31 trẻ em.
Để trợ giúp người dân, trong đó có nhóm trẻ em, Việt Nam đã phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế và đáp ứng nhu cầu người dân. Chính phủ đã ban hành hệ thống các chính sách an sinh xã hội và được quy định cụ thể trong các Luật (Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Phòng tránh thiên tai, Luật giáo dục, Luật Bảo hiểm…), 14 Nghị định của Chính phủ, 37 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hệ thống chính sách bảo trợ xã hội hiện gồm 5 nhóm chính là: Trợ giúp khẩn cấp (trợ giúp đột xuất); Trợ cấp tiền mặt; Nhận chăm sóc thay thế; Chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở chăm sóc xã hội; Chăm sóc xã hội tại cộng đồng. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và mức sống tối thiểu cho bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em.
Ông Steve Ashley - Chuyên gia tư vấn trình bày kết quả nghiên cứu
Tuy nhiên, hệ thống chính sách về trợ giúp xã hội tương đối đầy đủ nhưng chưa bao phủ hết đối tượng, nhất là hệ thống trợ giúp đột xuất, khẩn cấp, thủ tục còn rườm rà, thiếu linh hoạt, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ. Tính thích ứng để ứng phó với các cú sốc của người dân chưa cao.
Một số khuyến nghị
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng khả năng ứng phó với các cú sốc, trong đó lấy trẻ em làm trọng tâm như: Từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ khẩn cấp và dịch vụ chăm sóc; Hoàn thiện chính sách trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức thiệt hại, mức tổn thương, hoàn cảnh cụ thể; Điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội, tính toán hệ số trợ cấp phù hợp với nhu cầu của từng nhóm tuổi; Cải cách hệ thống xác định đối tượng như ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống đăng ký, xét duyệt; Phân cấp, phân quyền cho địa phương, thúc đẩy xã hội hóa; Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chính sách như thanh toán điện tử, dịch vụ chăm sóc...
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Steve Ashley - Chuyên gia tư vấn, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, mục tiêu của bảo trợ xã hội ứng phó với các cú sốc là ứng phó hiệu quả hơn, ứng phó sớm hơn, chi phí có thể thấp hơn ứng phó khẩn cấp; ứng phó sớm và mang tính phòng ngừa hơn là ứng phó muộn và mang tính chống đỡ; bên cạnh bảo vệ mạng sống cũng cần bảo vệ sinh kế; tăng cường khả năng chống chịu của các gia đình và trẻ em trước những cú sốc. Do đó, cần điều chỉnh thiết kế của chương trình bảo trợ xã hội thông thường, chẳng hạn như mở rộng tiêu chí đối tượng thụ hưởng, chi trả tiền mặt gấp đôi và sớm; Tăng cường thêm bữa ăn tại trường học, tăng phúc lợi trẻ em; Mở rộng quy mô bao phủ, hỗ trợ thêm nhiều trẻ em tham gia thụ hưởng.
TS. Nguyễn Văn Hồi thì cho rằng, trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, bảo vệ, chăm sóc ngay từ những ngày đầu đời. Do vậy, cần thiết phải thực hiện trợ cấp cho các gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em ứng phó với thiên tai rủi ro; quan tâm hỗ trợ toàn diện chính sách đối với người nghèo; từng bước thực hiện chính sách hỗ trợ cho những gia đình có thu nhập thấp, có trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục nghiên cứu nhằm xác định các lỗ hổng chính sách, mạng lưới cung cấp dịch vụ kèm theo lộ trình tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội hiện tại để ứng phó hiệu quả với các cú sốc và nâng cao khả năng chống chịu của trẻ em và gia đình, hướng đến xây dựng chiến lược an sinh xã hội có khả năng thích ứng với cú sốc trong giai đoạn tới ở Việt Nam và phù hợp với xu hướng của khu vực, cộng đồng ASEAN và quốc tế.
Bài, ảnh: Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em