Người Hà Nội thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội. Ảnh KT
Quyết định khó khăn nhưng xác đáng
Đến ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết rằng, người dân ở nhiều nơi mong được “tháo ngòi” để thoải mái hơn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 chưa cho phép đồng loạt kết thúc giãn cách xã hội trên cả nước. Thay vào đó, đồng ý với việc phân loại các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Cụ thể, Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 10 địa phương khác tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội tới ngày 22/4.
Khi đồng ý phân loại các địa phương thành 3 nhóm, Văn phòng Chính phủ nói rõ: Căn cứ vào diễn biến của dịch, các nhóm sẽ có thay đổi, nghĩa là địa phương này có thể từ nhóm nguy cơ thấp trở thành nhóm nguy cơ cao và ngược lại. Tỉnh Hà Giang đã được bổ sung vào nhóm nguy cơ cao vì có người nhiễm bệnh (bệnh nhân 268). Đây là điều rất cần thiết, nó phản ánh sự linh hoạt của Chính phủ trong việc chống dịch Covid-19.
Và như chúng ta thấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã suy tính rất nhiều khi gia hạn giãn cách xã hội đối với 13 tỉnh thành. Sau khi quyết định, Thủ tướng chia sẻ: “Tiếp tục cách ly là quyết định khó khi người dân mong được “tháo ngòi””. Đây là tâm tư của Thủ tướng nhưng chúng ta cũng phản ánh để Thủ tướng yên tâm: Đại bộ phận quần chúng nhân dân ủng hộ quyết định của Thủ tướng. Thủ tướng đã có một quyết định khó khăn nhưng xác đáng.
Các địa phương nguy cơ thấp phấn khởi nhưng không được chủ quan
Sau ngày 15/4, nhiều tỉnh thành trên cả nước đồng loạt ra thông báo về biện pháp giãn cách xã hội cụ thể áp dụng tại địa phương mình. Như vậy là các địa phương khác nhau sẽ có các biện pháp phòng chống dịch khác nhau, phù hợp với tình hình của địa bàn mình. Các địa phương vận dụng nội dung Chỉ thị mới để triển khai các chủ trương, biện pháp cụ thể theo tinh thần giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, trong giai đoạn này, các tỉnh thành trong cả nước điều chỉnh giãn cách xã hội giai đoạn 2 với 2 mục tiêu rõ ràng: Phòng chống dịch hiệu quả và khởi động lại hoạt động kinh tế - xã hội an toàn. Trong tình thế hiện tại, để đạt được 2 mục tiêu cùng một lúc không hề đơn giản, nhưng chúng ta có thể làm được với điều kiện là người dân ủng hộ các chủ trương của Chính phủ, nghiêm túc thực hiện sự chỉ dẫn của các chốt phòng dịch, tự giác thực hiện các biện pháp an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Về cơ bản, nhóm nguy cơ cao vẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp đã áp dụng từ ngày 01/4 đến 15/4. Nhóm nguy cơ vừa - về cơ bản vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng cho đến khi có thông báo mới. Nhóm nguy cơ thấp có điều kiện để từng bước dỡ bỏ những hạn chế trong việc đi lại, hoạt động kinh doanh nhưng vẫn phải cảnh giác cao độ. Trên thực tế, một số tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đảm bảo sản xuất và an toàn phòng dịch Covid-19 tại HTX Chè Hảo Đạt - Thái Nguyên. Ảnh KT
Linh hoạt để phát huy thế mạnh, hạn chế điểm yếu
Cho đến thời điểm này, thế giới đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Báo chí nước ngoài ca ngợi và kêu gọi các nước khác học tập kinh nghiệm Việt Nam vì chúng ta có số ca nhiễm thấp và chưa có ca nào tử vong. Để đạt được kết quả này, rõ ràng Việt Nam đã rất kiên quyết, mạnh mẽ nhưng linh hoạt trong việc tiến hành các biện pháp phòng chống dịch.
Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, do đó, hệ thống y tế của chúng ta có thể không bằng so với các nước có thu nhập cao ở châu Âu, châu Mỹ, vì thế chúng ta ưu tiên các biện pháp phòng. Tinh thần của khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” được lãnh đạo và các cơ quan chức năng vận dụng trong thực tiễn rất hiệu quả. Khi chưa có vắc-xin, chưa có thuốc đặc trị thì biện pháp phòng chống hiệu quả nhất là cách ly triệt để. Việt Nam thực hiện 4 vòng cách ly một cách hoàn hảo nên hạn chế đến mức thấp nhất việc lây nhiễm.
Khi phát hiện số ca lây nhiễm có vẻ tăng lên, Việt Nam lập tức thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước. Sau 2 tuần thực hiện điều này, số ca lây nhiễm giảm hẳn, chúng ta thực hiện giai đoạn 2 của giãn cách xã hội, nghĩa là thận trong cho phép một số hoạt động kinh tế - xã hội ở các địa bàn được cho là an toàn. Điều này cho phép người dân nối lại những hoạt động thiết yếu trong cuộc sống, khiến họ phấn khởi và tin tưởng. Đến lúc này, không chỉ người nước ngoài mới ca ngợi Việt Nam, mà người dân cũng đã tỏ lòng biết ơn Chính phủ đã bảo đảm sự an toàn cho dân chúng.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ. Chính phủ đang theo dõi sát tình hình, áp dụng các biện pháp linh hoạt để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khởi động lại hoạt động kinh tế - xã hội ở quy mô lớn. Thậm chí, chúng ta có thể chờ mong điều kỳ diệu sau khi dịch Covid-19 yếu dần và kết thúc.
Có thể nói Việt Nam đã tỏ ra “biết mình, biết người” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE