Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giáo dục cha mẹ nuôi dạy trẻ tích cực vì sự phát triển toàn diện của trẻ em

Giáo dục tích cực giúp nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự sáng tạo, niềm tin và ý thức trách nhiệm của trẻ.


Giáo dục trẻ tích cực, cách hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em


Cha mẹ, gia đình đều muốn con em được hạnh phúc và phát triển toàn diện, mong trẻ được sống theo ước mơ của chính mình và phát triển tiềm năng.Tuy nhiên, thách thức đặt ra là tìm ra mô hình giáo dục phù hợp để trẻ phát huy hết tiềm năng của mình.


Cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi họ chính là người yêu thương trẻ nhất, quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ ở giai đoạn đầu đời, đồng thời cũng là người thầy giáo đầu tiên của trẻ, là người hỗ trợ, hướng dẫn trẻ thực hiện các qui tắc ứng xử, kỷ luật tích cực để trở thành công dân có ích. Giáo dục cha mẹ sẽ giúp họ quan tâm đến vai trò của mình và hướng tới cải thiện kỹ năng làm cha mẹ tốt hơn.


Cha mẹ cần áp dụng các hành vi tích cực trong chăm sóc và giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, nhân cách ngay từ những ngày đầu và suốt cả thời thơ ấu. Trong hành trình đó, lứa tuổi ấu thơ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình là giai đoạn quan trọng. Để con trẻ trở thành một người có nhân cách tốt, việc giáo dục của mỗi gia đình đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, giáo dục con trẻ không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm đẹp, bởi mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ, có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của con trẻ.


Giáo dục con tích cực là mối quan hệ liên tục của cha mẹ và con cái bao gồm chăm sóc, dạy dỗ, dẫn dắt, giao tiếp và cung cấp những nhu cầu của trẻ một cách nhất quán và vô điều kiện. Tất cả trẻ em đều giàu lòng tốt và luôn hướng thiện. Vì vậy, giáo dục trẻ một cách tích cực là hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em. Đó là sự nuôi dưỡng, hướng dẫn, dạy dỗ, quan tâm, đáp ứng, chia sẻ sự nhạy cảm của trẻ, cho trẻ luôn được bao bọc bởi tình cảm thương yêu, ấm áp vô điều kiện của cha mẹ. Giáo dục tích cực cung cấp sự giao tiếp cởi mở thường xuyên, gia tăng sự tin cậy của trẻ đối với cha mẹ.


Mục tiêu của việc nuôi dạy trẻ em tích cực là xây dựng tính kỷ luật theo cách vun đắp lòng tự trọng của trẻ. Mối quan hệ cha mẹ - con cái tôn trọng lẫn nhau giúp con phát triển toàn diện sức khỏe và tinh thần.

Giáo dục tích cực gia tăng sự tin cậy của trẻ đối với  cha mẹ.


Chìa khóa của việc nuôi dạy trẻ tích cực là sự chu đáo và yêu thương


Mô hình giáo dục cha mẹ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng trong cả nước nhiều năm qua đã trang bị kiến thức phù hợp với đặc điểm văn hóa và điều kiện của cha mẹ các vùng miền, nâng cao được kiến thức và thay đổi nhận thức, hành vi của cha mẹ trong chăm sóc trẻ. Cha mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ, dành thời gian quan tâm đến việc học của con và giao tiếp với con nhiều hơn.


Kết quả nghiên cứu đã cho thấy những tác động tích cực ban đầu của mô hình đối với trẻ em và cha mẹ. Các mô hình hỗ trợ cha mẹ chăm sóc phát triển trẻ thơ của Hội đã có những tác động tích cực đến nhận thức của cha mẹ, cộng đồng; được địa phương đánh giá phù hợp với nhu cầu thiết thực của các gia đình trong vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện nay.


Để các mô hình tiếp tục phát huy được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của gia đình trong vấn đề chăm sóc, phát triển trẻ em và đảm bảo tính bền vững lâu dài của mô hình, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc thực hiện quyền trẻ em. Các mô hình nên chú trọng đến đối tượng trẻ em gái, bởi tương lai các em sẽ là những phụ nữ tự tin, tự trọng, là “người thầy” đầu tiên của các con mình sau này. Cùng với đó, mỗi bậc cha mẹ không chỉ cần quan tâm, chăm sóc mà còn phải tôn trọng, hiểu đúng về con trẻ để có cách giáo dục đúng, hiệu quả. Cụ thể là phải tạo được sự gần gũi, thân mật, tin tưởng ở con trẻ, để con trẻ coi bố mẹ là những người bạn lớn mà chia sẻ tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý bên trong, từ đó cha mẹ, ông bà có thể hiểu được các mối quan hệ, khát vọng, cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng, mong muốn, sở thích, lo lắng, niềm vui, nỗi buồn của con trẻ.


Bên cạnh đó, phải kể đến Chiến dịch Lan tỏa yêu thương do MSD phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương, Cục Trẻ em và tổ chức Mạng lưới Quyền trẻ em thực hiện. Chương trình đã tổ chức tập huấn, huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức xã hội, các phụ huynh…, tạo sức lan tỏa và nhân rộng phương pháp giáo dục tích cực.


Thực tế từ việc xây dựng các mô hình, các chương trình cho thấy, cha mẹ có quyền và thường tác động đến sự phát triển và định hướng tương lai của con trẻ, song nếu giáo dục không đúng và định hướng “không chuẩn”, không sát điều kiện thực tế của chính bản thân trẻ và gia đình, thì con trẻ không những không phát huy được khả năng của mình mà còn luôn cảm thấy căng thẳng, dễ dẫn đến suy sụp tinh thần và thể chất. Trẻ em thường học rất nhanh từ cha mẹ và những người lớn xung quanh. Do đó, cách hiệu quả nhất để dạy dỗ con là làm gương cho con thông qua những thái độ và hành động rất đơn giản được lặp đi lặp lại mỗi ngày, để con hiểu và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, ví dụ như dành thời gian lắng nghe, chia sẻ cùng con.


Giáo dục tích cực giúp nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự sáng tạo, niềm tin vào tương lai, khả năng hòa đồng và ý thức trách nhiệm của trẻ. Cha mẹ luôn ấm áp, yêu thương và luôn khích lệ sẽ giúp nuôi dưỡng tinh thần, đồng thời trao cho trẻ kiến thức và kĩ năng cần thiết để có một cuộc sống thành công và hạnh phúc.


Cha mẹ cần áp dụng các hành vi tích cực trong chăm sóc và giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, nhân cách ngay từ những ngày đầu và suốt cả thời thơ ấu.

Sơn Thành/TC GĐ&TE