Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giáo viên mất việc – Chuyện lớn lắm!

 
Một lớp học ở miền Tây Nghệ An. 
 
Giáo viên có nguy cơ mất việc ở nhiều nơi
 
Trước đây, cả nước chú ý tới việc hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng vì địa phương dư thừa giáo viên. Nhưng bây giờ, điều đó đang diễn ra ở rất nhiều nơi với số lượng còn lớn hơn. Ví dụ, đã thông tin là 1.405 giáo viên tại Cà Mau có nguy cơ mất việc. Rồi ngay tại  huyện Thanh Oai của Thủ đô Hà Nội cũng có hàng trăm giáo viên đang bị đe dọa mất việc làm. Như vậy, có thể kết luận là gần như ở cả 63 tỉnh, thành đều có chuyện giáo viên có nguy cơ mất việc làm. Điều này tạo ra tâm lý không hay trong xã hội, ảnh hưởng đến chuyện dạy và học trong các trường phổ thông.
 
Chuyện giáo viên ở nhiều nơi có nguy cơ bị mất việc làm có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là ở một số địa phương tuyển dụng ồ ạt nên dư thừa. Điều này ắt hẳn liên quan đến tiêu cực trong nhận người. Nguyên nhân tiếp theo là ở một số nơi, số học sinh, số lớp, số trường giảm. Lỗi này thuộc về những người quản lý không cảnh báo trước việc số trẻ em sinh ra đã giảm. Nguyên nhân thứ ba là Nhà nước ta đã có chủ trương là từ nay đến năm 2021, phải giảm 10% số cán bộ hưởng lương ngân sách. Đáng ra, việc giảm này không nên ảnh hưởng đến giáo viên nhưng trên thực tế, giáo viên sẽ bị giảm nhiều vì họ là những người không có thế lực, lại khá “dễ bảo”.
 
Với ba nguyên nhân kể trên, việc một số giáo viên (đặc biệt là giáo viên hợp đồng) không còn có cơ hội đứng lớp là điều dễ hiểu. Có điều, việc này sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn cho ngành giáo dục nói riêng, cho toàn xã hội nói chung. Bây giờ không phải là lúc đổ lỗi cho nhau, mà là tìm các giải pháp để khắc phục. Trước hết, chúng ta cần đánh giá thật chính xác là giáo viên thừa hay thiếu.

Hiện nay giáo viên thừa hay thiếu?
 
Căn cứ vào thực tế cuộc sống, có thể nói ngay là giáo viên đang thừa. Vì sao ư? Vì những người tốt nghiệp các trường sư phạm hiện nay rất khó xin việc (kể cả việc chịu khó “bôi trơn”); nếu xin được việc rồi, cũng ít có cơ hội đứng lớp. Trong khi đó, mỗi năm, hệ thống các trường sư phạm vẫn cho tốt nghiệp hàng chục ngàn người. Vậy giáo viên thừa là chuyện không cần phải bàn cãi.
 
Tuy nhiên, trên kia là nói theo cảm tính. Còn bây giờ nói bằng những con số. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 1.1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Đông nhất là cấp tiểu học gần 400.000 người. Ít nhất là giáo viên THPT, gần 140.000 người. Giáo viên mầm non thiếu trầm trọng - thiếu tới gần 33.000 người. Ở phổ thông thì thừa thiếu cục bộ, có cấp học vừa thừa vừa thiếu. Cả nước đang thừa 26.750 giáo viên ở các cấp, trong đó cấp THCS, dư tới 21.005 người, nhưng lại thiếu gần 13.000 giáo viên ở các cấp khác nhau. 
 
Thừa thiếu cục bộ chứng tỏ trình độ quản lý, điều hành kém. Tôi cho bất hợp lý ở chỗ Bộ Nội vụ lại là cơ quan quyết định số lượng giáo viên là bao nhiêu; nên để ngành giáo dục quyết định điều này. Chỉ tiêu ngành sư phạm cả nước đã giảm từ 84.000 vào năm 2014, xuống còn 54.000 vào năm 2017. Điều này chứng tỏ những người quản lý cho rằng, giáo viên nhìn chung đang thừa. Và như chúng ta thấy, đang có nhiều nỗ lực để giải quyết việc thừa giáo viên.

 
Một góc sân trường Trường THCS Nậm Ét, Quỳnh Nhai, Sơn La.
 
Các giải pháp để giải quyết vấn đề
 
Làm nghề gì mà mất việc làm đều được xem là tai họa, làm nghề dạy học lại càng thế. Không biết đã có thầy giáo, cô giáo nào nhận tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chưa? Đảng, Nhà nước và xã hội quyết không để những người làm thầy lâm vào cảnh bần cùng hóa.
 
Để đạt được mục đích này, chúng ta cần có biện pháp “thanh lọc” đội ngũ giáo viên. Chúng ta đã có những quy định về chuẩn hóa giáo viên. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta chỉ giữ lại trong ngành giáo dục những giáo viên đáp ứng được việc dạy học trong điều kiện mới. Những người không đủ tiêu chuẩn làm giáo viên sẽ được bố trí công việc khác phù hợp với khả năng.
 
Giải pháp thứ hai là chúng ta không thành lập các trường thuộc công lập nữa; bù lại, chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện để mở rộng hệ thống trường dân lập, tư thục. Các trường này không tiêu tiền ngân sách mà vẫn tham gia vào việc đào tạo thì tốt rồi. Vấn đề là quản lý như thế nào đó để người đi học không bị thiệt thòi.
 
Giải pháp thứ ba là chúng ta giảm sĩ số các lớp học. Hiện nay, theo quy định thì các lớp ở bậc tiểu học không được vượt quá 35 em, các lớp ở bậc THCS và THPT không quá 45 em. Quy định là như vậy nhưng trên thực tế ở bậc tiểu học có những lớp trên 40 em, ở hai bậc học kia có lớp đến những 60 em. Với số lượng này cho một lớp học là quá đông, dạy và học khó đạt chất lượng.
 
Tôi đề nghị số học sinh cụ thể như sau: Ở bậc tiểu học mỗi lớp không quá 30 học sinh, ở bậc THCS và THPT mỗi lớp không quá  40 học sinh. Tất cả các trường ở mọi địa bàn đều phải tuân thủ điều này. Phạt thật nặng các trường (buộc hiệu trưởng thôi việc) cố ý vi phạm điều này.
 
Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ cả ba giải pháp này, tôi cho rằng giáo viên sẽ không thừa nữa. Và như vậy, các trường đi vào hoạt động ổn định, có điều kiện nâng cao chất lượng. Lúc này, xã hội cũng thôi không bàn tán đầy thương cảm về việc giáo viên “mất dạy”.
 
Giáo dục cần biện pháp mạnh!

Chúng ta đang chủ trương đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, đấy chỉ là nói, còn thực tế, chúng ta đang rất rón rén trong đổi mới giáo dục. Đã đến lúc cần có hành động mạnh mẽ.

Theo tôi, hành động mạnh mẽ ở đây trước hết cần thực hiện trong việc cải tổ lại cơ cấu tổ chức của ngành giáo dục. Hiện nay cơ cấu tổ chức đang có 4 cấp như thế này: Bộ - Sở - Phòng – Trường. 

Quan sát cách hoạt động của ngành giáo dục hơn 30 năm qua, tôi cho rằng, cơ cấu của ngành giáo dục chỉ nên có 3 cấp. Cấp thứ nhất là Bộ - cấp trung ương. Đây là cấp đề ra chủ trương, đường lối, chính sách và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện. Cấp thứ hai là Sở - cấp địa phương. Cấp này căn cứ vào tình hình cụ thể của tỉnh để triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Bộ cho phù hợp. Cấp thứ ba là Trường. Công việc chính và rất cụ thể của trường là dạy và học; đồng thời tổ chức kiểm tra, thi để đánh giá kết quả. Để cho khách quan, cuối mỗi năm học, các trường tổ chức coi thi, chấm thi chéo theo mô hình: Trường A coi thi và chấm thi trường B; trường B đảm nhiệm việc đó ở trường C; trường C làm việc này ở trường A.

Theo cơ cấu tổ chức này, chúng ta thấy cấp Phòng không có việc gì để làm, nghĩa là thừa ra và cần bỏ đi. Trên thực tế, các trường THPT đã từ lâu không cần đến cấp Phòng – họ không bị cấp Phòng quản lý.

 Hiện nay, nước ta có trên 11.000 phòng GD&ĐT ở các quận, huyện. Nếu bỏ cấp Phòng đi, chúng ta giảm được hàng chục ngàn biên chế trong ngành giáo dục và tiết kiệm được hàng triệu mét vuông công sở. Việc này không những tiết kiệm được tiền của cho ngân sách, mà còn giảm được sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động giáo dục.

Bỏ cấp Phòng chính là biện pháp mạnh đầu tiên trong cải cách giáo dục.

                                                                               Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tin liên quan