Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giấy khen học sinh tiểu học: Muôn kiểu “chơi chữ”

Các cháu đều đạt điểm 9, 10, nhưng trên giấy khen thì có trường ghi “Là học sinh tiêu biểu”, có trường ghi “Đạt thành tích xuất sắc…”.

 

Muôn kiểu áp dụng Thông tư 30 khiến mỗi trường khen học sinh một kiểu. Phụ huynh cầm giấy khen của con còn phải hỏi lại xem con mình xếp loại gì?

“Tiêu biểu” có giống “xuất sắc”?

Cầm giấy khen của con gái học lớp 4, trường Tiểu học Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ghi “Là Học sinh Tiêu biểu”, anh Hoàng Đình Anh, ở Giáp Bát than thở: “Cơ quan yêu cầu tôi phô tô giấy khen học sinh giỏi của con để nhận thưởng, giờ nhà trường ghi thế này chắc bố mất giải. Con gái tôi là học sinh gì đây? Nhà trường chơi chữ quá. Có lẽ phải kèm theo bảng điểm của con cho chắc ăn”.

 

Trường Tiểu học Tô Hoàng ghi "Là Học sinh Tiêu biểu".


Giấy khen thì ghi vậy, còn trong bản “Nhận xét của giáo viên chủ nhiệm về học tập và rèn luyện cuối học kỳ II”, con gái anh Đình Anh đều đạt điểm 10 các môn toán, tiếng Việt, Khoa và sử địa; kết quả Tốt. Nếu như mọi năm thì con gái anh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, còn năm nay thì ghi “Danh hiệu học sinh: Học sinh tiêu biểu”. Vì thế, theo anh Đình Anh thì “phiên ra” có nghĩa con gái anh cũng là… học xuất sắc, hay sinh giỏi!

Trong khi đó, chị Hương có con học Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) có giấy khen ghi “Khen ngợi em M.P.N” “Đạt thành tích xuất sắc về học tập và rèn luyện”. Ở trường tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) thì ghi giấy khen “Hoàn thành tốt nhiệm vụ học sinh”; Trường tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) thì giấy khen ghi là: “Đã có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện”.

 

 

Trong đó tổng kết cuối năm của các con với các môn toán, tiếng Việt, sử địa đều đạt 9 và 10. Theo các ông bố, bà mẹ, như vậy “hiểu nôm na” là cháu đạt… học sinh giỏi.

Chị Lưu Dương, ở phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) có con gái học tiểu học chia sẻ: Đã đành năm nay ngành GD&ĐT không chấm điểm và xếp loại học sinh theo kiểu giỏi, khá… như mọi năm mà là đánh giá toàn diện. Thế nhưng kiểu khen như thế này thật khó hiểu, vì mỗi trường ghi một kiểu.

Chị Dương nói: “Con tôi học một trường, cháu tôi học một trường. Các cháu đều đạt điểm 9, 10 cuối cấp, thế nhưng về khoe ông bà thì giấy khen của 2 cháu có cách ghi khác nhau khiến các cháu thắc mắc. Thậm chí các bác cầm quỹ khuyến học của dòng họ nội ngoại cũng lúng túng trong xét thưởng. Còn bà nội thì được phường thông báo phô tô giấy khen học sinh giỏi của cháu để ra phường nhận thưởng. Thế là tôi phải trình bày, giải thích cho bà là cháu được điểm 9, 10, có nghĩa là giỏi để bà yên tâm”.

 

"Xuất sắc" có phải là "giỏi" hay "trên giỏi"?


Có phụ huynh còn thắc mắc: Đành rằng có thể hiểu con mình đạt giỏi, nhưng ghi như thế chẳng biết hiểu thế nào. Các con ấm ức vì ghi chung chung, không thể đi khoe ông bà là học giỏi được. Thời trước, học sinh xuất sắc phải trên học sinh giỏi chứ?

Giáo viên cũng lúng túng

Theo cô Lê Thị H.Th, giáo viên một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Thông tư 30 với tiêu chí giảm áp lực cho học sinh, cũng như “bệnh thành tích” của ngành Giáo dục, song nó lại khiến các cô và học sinh gặp rất nhiều rắc rối. Nếu như trước kia, cô chấm các con điểm 8, 9 hay 10 là xong và các con hiểu được sức học của mình. Còn với Thông tư 30, cô phải mỏi tay ghi lời nhận xét vào sổ. Sau một năm học, cô “thở phào” được xả hơi vào dịp hè, vì năm học vừa qua, cô cùng đồng nghiệp phải chịu nhiều áp lực trước Thông tư này về đánh giá học sinh.

 

Mỗi trường ghi một kiểu giấy khen khiến nhiều người thắc mắc không biết đâu là "chuẩn".


Theo cô Th., thông tư này chưa tạo được động lực học tập cho học sinh. Nếu như trước đây, đi học về các con khoe “hôm nay con được điểm 9, điểm 10”. Học sinh cũng thích thú và bố mẹ cũng vui vì biết được kết quả học tập cụ thể của con. Còn bây giờ cô ghi “hoàn thành” vì cứ “quy ra” từ 5 điểm trở lên là hoàn thành; cô lúc nào cũng phê “con cần cố gắng” vì 6 phải cố gắng lên 7; 7 phải cố lên 8… thậm chí 10 cũng “cần cố gắng” để duy trì, không bị tụt xuống.

Một giáo viên tiểu học đề nghị không nêu tên cũng chia sẻ: Đến cuối năm, nếu trong giấy khen ghi “giỏi”, “khá” như mọi năm thì các cháu biết ngay sức học như thế nào, các cháu cũng vui và phụ huynh biết được sức học con mình. Đằng này ghi chung chung như vậy, rất khó hiểu. Kiểu như “Hoàn thành tốt nhiệm vụ học sinh” – đành rằng rất bao quát, toàn diện nhưng làm sao để xã hội hiểu thế nào là “nhiệm vụ của học sinh” và “hoàn thành tốt”?

Giáo viên này chia sẻ thêm: “Cán bộ, giáo viên chúng tôi cuối năm được bình xét còn được khen là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; còn các con đạt 9, 10, rất toàn diện nhưng mức độ khen cao nhất cũng là hoàn thành tốt, thì không hiểu đâu là động lực để cô và trò phấn đấu?”.