Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giới trẻ, đừng coi sống thử như một “bản nháp”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Luật Hôn nhân và Gia đình không có quy định về sống thử, người sống thử phải tự chịu trách nhiệm khi nảy sinh mâu thuẫn. Trước khi quyết định sống cùng nhau, các bạn trẻ cần suy nghĩ thật kỹ.

Hạnh phúc và ly tan

Xác định sẽ kết hôn, chị Minh Anh (25 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng) và anh Tuấn Dũng (29 tuổi, kỹ sư phần mềm) quyết định dọn về chung một nhà sau gần 3 năm gắn bó. Họ xác định đây là giai đoạn tiền hôn nhân.

Chị Minh Anh chia sẻ, thời gian đầu, họ vấp phải nhiều khó khăn khi chưa thực sự hiểu về cuộc sống hôn nhân. Ngay sau đó, cả hai đã dành nhiều thời gian để trò chuyện. 

song thu.jpg
Tư vấn tiền hôn nhân cho các bạn trẻ.

“Cuộc sống chung không dễ dàng. Những ngày đầu, tôi áp lực vì hình tượng của mình trong anh có thể sụp đổ. Trước đây, lần nào gặp anh, tôi cũng trong “phiên bản" tốt nhất. Áp lực kiếm tiền cũng khiến chúng tôi bận rộn, thời gian bên nhau vì thế cũng giảm đi.

Tuy nhiên, có anh, cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn, tôi đã biết tự học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Chúng tôi cũng có mâu thuẫn nhưng suy nghĩ đơn giản, ở cùng nhau là để có trải nghiệm về nhau trước khi thực sự chung một nhà. Chúng tôi không đặt áp lực sẽ hiểu nhau về mọi thứ", chị Minh Anh tâm sự.

Trong khi đó, chị T.T.H (26 tuổi) chia sẻ: “Từng sống thử nhưng thất bại và đó là quãng thời gian đau khổ, đáng quên. Trước khi sống chung, người yêu tôi nhẹ nhàng và lễ phép. Khi quyết định sống thử sau lời đề nghị của người yêu, tôi như một bà nội trợ toàn thời gian, không còn không gian để có sở thích riêng và bạn bè cũng ít đi. Thậm chí, người yêu tôi còn là người vũ phu, mất kiểm soát cảm xúc là đánh tôi. Cuối cùng tôi chia tay”.

Hiện nay, không ít bạn trẻ có suy nghĩ thoáng hơn và sống thử trước hôn nhân. Thanh Dung (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho rằng, có thể lựa chọn sống thử khi hai người đều có tài chính vững chắc. Nếu hai người yêu nhau, xác định tiến tới hôn nhân và có thu nhập ổn định, tự chủ cuộc sống thì có thể sống thử.

Đây sẽ là khoảng thời gian tìm hiểu thực chất về cuộc sống hôn nhân. Ở đó, thói quen sinh hoạt, tính cách, quan điểm sống của mỗi người sẽ bộc lộ. Bởi yêu và cưới là hai chuyện rất khác nhau nên nếu không thể hòa hợp, việc chấm dứt cũng sẽ dễ dàng hơn là quyết định ly hôn.

Tuy nhiên, sống thử không  phù hợp với tất cả mọi người và có thể dẫn đến hệ luỵ như: Bạo hành, lạm dụng tình dục hay có thai ngoài ý muốn… 

Cân nhắc khi lựa chọn

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, sống thử nhưng thực chất là sống thật bởi cùng ăn, ở và sinh hoạt như vợ chồng, chỉ là không chính danh vì chưa đăng ký kết hôn. Sống thử cho phép các cặp đôi có dự định kết hôn phát hiện được phần tính cách không tương hợp của người bạn đời.

Quan trọng hơn, họ học cách đồng thuận, phân bổ trách nhiệm hôn nhân. 

“Ở Việt Nam, những người sống thử chịu nhiều định kiến từ xã hội. Tuy nhiên, thực tế sống thử và quan hệ trước hôn nhân đã trở thành chuyện bình thường, miễn cả hai biết mình đang làm gì, muốn gì, hậu quả ra sao và chấp nhận điều đó. Sống cùng nhau, hai người phải có trách nhiệm với nhau, không đồng nghĩa với việc sẽ kết hôn nhưng là bước đệm để các cặp đôi đánh giá sự hòa hợp lâu dài.

Chỉ nên sống thử khi cả hai đã hoàn toàn tự chủ cuộc sống, độc lập về tài chính và có ý định gắn bó với nhau. Hôn nhân là ăn ở cả đời với nhau, khi đặt trong một gia đình lớn hơn và mối quan hệ với họ hàng sẽ có những sự việc phức tạp, dễ nảy sinh mâu thuẫn. Đừng nghĩ rằng sống thử thế nào thì lấy nhau rồi cũng như vậy", ông Nguyễn Hải An khuyến cáo.

TS tâm lý học Tô Nhi A chia sẻ, sống thử là cuộc sống chưa chính danh vì thiếu thủ tục pháp lý và các nghi thức văn hóa. Vì vậy, người trong cuộc rất dễ nảy sinh sự hờ hững, buông tay. Đặc biệt, các bạn cũng dễ bị ám ảnh bởi sự lo âu liệu rằng mối quan hệ này có bền chặt?

Thực tế, nhiều người đã có trải nghiệm sống thử và vẫn có cái kết hạnh phúc bởi đáp ứng đủ các điều kiện kể trên. Còn nếu sống thử theo lý do nhiều người hay đưa ra như: Thử xem có hợp nhau không để cưới, không hợp thì buông… thì rất dễ tan. Bởi trong cuộc sống, không ai sinh ra là hợp nhau hoàn toàn.

Nếu giữ tâm lý hợp thì đi tiếp, không hợp thì buông, lúc này các bạn đã không chọn cùng nhau cố gắng, thay đổi mà chọn rời xa nhau, mạnh ai nấy sống. Cứ thế, dùng cả cuộc đời của bạn sống như một “bản nháp” cũng sẽ không ổn. 

Sẽ không có đáp án đúng hoặc sai nhưng chắc chắn mỗi sự việc đều có rủi ro, thách thức. Thay vì đặt mục tiêu ban đầu là khi đổ vỡ, không như ý thì chia tay, buông bỏ dễ dàng hơn, chúng ta hãy tạo ra bước đệm, trau dồi kiến thức, trải nghiệm để có một cuộc sống hạnh phúc, trách nhiệm với chính mình và mọi người.

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 99