Shark Liên nhìn nhận giai đoạn này, do tình hình Covid-19 căng thẳng, việc giao tiếp xã hội tạm thời được gác lại, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta bỏ qua các quy tắc xã giao cần phải có trong cuộc sống. Vì thế, bà nghĩ đây là thời điểm thích hợp để mỗi chúng ta chuẩn bị và mài giũa những điều này để hoàn thiện bản thân để khi cuộc sống bình thường trở lại, chúng ta có cơ hội "thăng hạng" bản thân hơn. Dưới đây là 3 bí quyết mà bà "chỉ điểm":
1. Nói chuyện nhất định, nhất định phải có chừng mực
Với đối tượng nào, quan hệ ra sao, nói những gì luôn là thử thách và thước đo đánh giá khả năng giao tiếp xã hội, sự nhạy cảm và khôn ngoan của mỗi người. Những điều bạn nghĩ khác với những điều bạn biết, những điều bạn biết lại rất khác với những gì bạn nên nói ra.
Những chuyện cần hết sức cân nhắc mỗi khi muốn đưa vào câu chuyện nào đó là: Có nên chia sẻ bí mật của bản thân/của người khác; Mức độ góp ý cho khuyết điểm của người khác ra sao; Mở lòng và chân tình đến đâu với đối tượng nào.
Hãy nhớ các thứ tự ưu tiên của những điều bạn thu về sau cuộc nói chuyện: Bảo vệ bản thân để không bị hiểu nhầm; Lời nói mang lại đóng góp, tác dụng thay vì gây cảm giác tiêu cực; Không vô cớ làm phật lòng người khác.

2. Giúp nhau là tình nghĩa, không giúp là quyền lựa chọn
Trên đời, vốn không ai có nghĩa vụ phải giúp đỡ ai. Người khác giúp đỡ ta là vì họ coi trọng tình nghĩa với ta. Người khác không giúp ta, là quyền lựa chọn của họ. Vốn họ không mắc nợ ta, nên đừng vì không được giúp đỡ mà trở nên căm ghét hay coi như họ có lỗi. Việc của mình, bản thân là người có trách nhiệm đầu tiên. Đặc biệt là ở nơi làm việc, nhờ người khác giúp mình làm cái nọ cái kia nghĩa có khi là ta đang thêm rắc rối cho họ.

3. Quan hệ xã hội chưa phải là quan trọng nhất, mấu chốt là ở tài năng của chúng ta
Có nhiều người nói cần phải xã giao nhiều, có nhiều mối quan hệ xã hội, có vậy làm việc mới dễ dàng hơn. Điều này đúng, nhưng không có nghĩa rằng có nhiều mối quan hệ thì sẽ thành công. Bởi năng lực của chính chúng ta mới là yếu tố then chốt. Cho dù bạn nghĩ mình quen biết nhiều người, nhưng chất lượng các mối quan hệ đều hời hợt vì họ không đánh giá cao năng lực của bạn, thì cũng không khiến công việc của bạn dễ dàng hơn. Chưa kể nếu bạn thực sự có tài, người khác ắt tự tìm đến bạn. Cái gọi là mối quan hệ nhiều hay ít chính là xem tài năng của bạn cao hay thấp, xem bạn giỏi giang để vận dụng nó đến đâu.
Ba quy tắc này tưởng dễ mà khó, tưởng khó nhưng lại có thể rèn luyện và tiến bộ hằng ngày. Trước khi phấn đấu trở thành người ưu tú, bạn hãy phấn đấu trở thành một người trưởng thành đúng nghĩa.