Cuộc gặp mặt nhà đầu tư diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPG giảm giá mạnh, nhiều quỹ ngoại có động thái "xả hàng". Chốt phiên ngày 30/11 chỉ còn 33.200 đồng/cổ phiếu giảm tới 30% so với lúc giá HPG cao nhất (1/3/2018). Vốn hoá HPG rớt xuống 73.000 tỷ. Biến động cổ phiếu này đã "thổi bay" hơn 10.000 tỷ đồng tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long và vợ là bà Vũ Thị Hiền. Cổ phiếu xuống giá, tài sản cổ phiếu chỉ còn 17.735 tỷ, ông Long không còn là tỷ phú USD theo bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes.
Ông Trần Đình Long khẳng định sẽ mua vào cổ phiếu và không bán ra.
Đặc biệt, cổ phiếu HPG còn liên tục bị khối ngoại bán ròng từ đầu năm tới nay. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng hơn 9,5 triệu cổ phiếu HPG từ thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh hồi tháng 3, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 40% xuống còn 39,55% (30/11). Nếu tính từ đầu năm, thời điểm tỷ lệ phủ room ngoại lên đến 41,4%, khối ngoại đã "xả" hơn 39 triệu cổ phiếu HPG.
Quỹ ngoại PENM III đã đăng ký bán bớt 20 triệu cổ phiếu HPG đúng lúc cổ phiếu này đang lao dốc khiến cho nhà đầu tư lo lắng. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 16/11 đến 14/12/2018. Đầu tháng 10, quỹ này cũng bán được 10,9 triệu cổ phiếu dù đăng ký bán tới 20 triệu do giá thị trường không đạt kỳ vọng.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Trần Đình Long cho biết cá nhân đã đọc được nhiều thông tin trên truyền thông về việc tài sản "bốc hơi" 9.000 - 10.000 tỷ đồng hay như các quỹ nước ngoài bán HPG nhiều quá. Tuy nhiên, điều này không hề khiến "vua thép" nao núng.
"Tôi sẽ mua vào, có thể mỗi đợt là 10 triệu cổ phiếu. Chúng tôi là những cổ đông sáng lập sẽ chỉ mua vào thêm và không bán ra. Còn về phía công ty, thời điểm hiện tại không thể mua vào cổ phiếu vì đang trong giai đoạn cần vốn đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất", người đứng đầu HPG lên tiếng. Vị này cũng khẳng định, hoạt động kinh doanh của HPG đang diễn ra rất tốt.
Báo cáo sơ bộ, 11 tháng năm 2018, doanh thu Hoà Phát đạt trên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch được Đại hội cổ đông phê duyệt, năm 2018 HPG đặt mục tiêu doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, HPG về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch năm 2018.
Về động thái "xả hàng" của một số quỹ ngoại, theo ông Long, đây là các quỹ đầu tư đến hạn họ phải bán, chứ không phải là tháo chạy hay bán tháo.
Đại diện quỹ PENM cũng thẳng thắn đối thoại với nhà đầu tư về động thái bán ra cổ phiếu HPG gần đây. Theo đó, đại diện PENM cho biết quỹ là đối tác chiến lược lâu năm của HPG từ năm 2007 và cho đến giờ đã có 4 quỹ do PENM quản lý đang đầu tư vào HPG. Hiện PENM đang trong giai đoạn huy động quỹ mới để đầu tư vào HPG, điều này thể hiện cam kết lâu dài đầu tư vào HPG.
Trong quá khứ, khi đến hạn đóng quỹ (10 năm) trùng hợp với thời gian đầu tư vào HPG, các quỹ thuộc PENM quản lý buộc phải bán đi các cổ phiếu trong danh mục và điều này đã gây ra ảnh hưởng đôi chút đến thị trường. Nhưng sau đó, quỹ khác thuộc PENM lập tức mua lại.
"PENM III chưa bán nhiều HPG. Việc bán cổ phiếu như vậy là điều bắt buộc do điều khoản quỹ. Nhưng PENM III còn 2,5 năm nữa tức đến khoảng năm 2020 -2021 mới đến thời hạn đóng quỹ - khi đó mới bán hết cổ phiếu", đại diện quỹ PENM nói.
Ông Trần Đình Long cũng cho rằng các quỹ đầu tư khác nhà đầu tư cá nhân, họ huy động vốn, đầu tư kiếm lời, đến hạn phải thu tiền về. "Cá nhân tôi nghĩ việc bán là bình thường, đầu tư vào thì phải có lúc bán ra, không có gì mâu thuẫn hay giận dữ ở đây", ông Long nói.
Xuyên suốt các câu trả lời nhà đầu tư của Chủ tịch Trần Đình Long thể hiện tâm huyết, dồn lực cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Người đứng đầu HPG khẳng định, trong bối cảnh mở rộng đầu tư, cổ tức năm tới có thể sẽ được trả bằng cổ phiếu.