Vòng tay của gia đình và xã hội
Gia đình đóng vai trò then chốt trong quá trình giúp người nghiện cai ma túy và tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh vai trò giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, mang lại động lực, niềm tin cho người cai nghiện, gia đình còn có vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vốn, cũng như tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Chung tay cùng gia đình, cộng đồng phòng chống ma túy.
Mỗi gia đình nhận thức và thực hiện đúng trách nhiệm, vai trò của mình, có phương pháp giáo dục phù hợp, chắc chắn sẽ giúp bảo vệ con em mình trước vòng vây của ma túy. Tại diễn đàn “Chung tay phòng chống ma túy” mới đây tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm - Hà Nội), mọi ý kiến đều thống nhất, để giúp con em mình từ bỏ ma túy, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, cách duy nhất là động viên, sát cánh cùng họ, giúp đỡ họ trong quá trình điều trị cũng như sau khi cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Với những người đã từng lầm lỡ, điều quan trọng nhất chính là niềm tin của gia đình, cộng đồng dành cho mình. Gia đình cần lắng nghe, chia sẻ với con em mình, giúp họ vượt qua sự mặc cảm, tự ti, có nhận thức và hành động đúng đắn.
Là người đã từ bỏ ma túy được 11 năm, anh Nguyễn Văn Hải chia sẻ: Chúng tôi là những người đã cai nghiện thành công. Khi trở về, tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi cần giúp đỡ đầu tiên là từ gia đình. Nếu như thiếu hụt sự quan tâm của gia đình, chính quyền, của cộng đồng, sẽ khiến chúng tôi thêm mặc cảm, tự ti và sống xa lánh cộng đồng, xã hội.
Do đó, thay đổi cái nhìn, thay đổi thái độ với người sử dụng ma túy là vô cùng cần thiết, chính quyền cũng cần tạo thêm việc làm, giúp người cai nghiện có những điều kiện thuận lợi, để tự tin hòa nhập trở lại với cộng đồng xã hội.
Phường Cửa Nam (TP. Nam Ðịnh) từ năm 2005 đến nay triển khai thực hiện Ðề án "Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng". Công tác cai nghiện được triển khai cụ thể, ngoài việc quản lý của những người thân trong gia đình, mỗi người nghiện sẽ được người của tổ dân phố giúp đỡ; hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ y tế và cảnh sát khu vực giám sát chặt chẽ theo phác đồ điều trị. Những thay đổi, diễn biến tâm lý của người cai nghiện được gia đình và người giám sát trao đổi, theo dõi, ghi chép cẩn thận. Thời gian qua, trong quá trình tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho đối tượng nghiện, đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, có trách nhiệm và tâm huyết giảng giải, vận động, thuyết phục, nâng đỡ về mặt tinh thần để những người mắc nghiện quyết tâm từ bỏ ma túy, trở lại với cuộc sống đời thường.
Anh Nguyễn Xuân Biết, ở 55 Nguyễn Cơ Thạch (phường Cửa Nam) chia sẻ: Trước đây, khi anh bị cuốn vào vòng xoáy ma túy, gia đình ngỡ như đã tan nát. Trong cơn quẫn bách, anh đã được giúp cai nghiện tại gia đình. Ðược gia đình và các đoàn thể giúp đỡ, anh Biết đã quyết tâm giã từ ma túy, trở lại cuộc sống bình thường, cùng vợ mở quán bán nước, sửa chữa xe đạp, xe máy kiếm tiền nuôi hai con gái nhỏ.
Câu chuyện gia đình anh Biết là một trong số hàng chục trường hợp cai nghiện tại nhà thành công. Sau 14 năm triển khai, mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có chuyển biến tích cực, không chỉ làm thay đổi nhận thức của nhân dân, của các cấp, các ngành và đoàn thể quần chúng chung tay giúp người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mà còn thu hút người nghiện tự giác tham gia cai nghiện.
Mang lại cho người nghiện sự tin cậy, gần gũi, tin tưởng
Phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng” đã phát huy tích cực vai trò của tình nguyện viên trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Tại các tỉnh, thành phố, Phong trào đã được hưởng ứng nhiệt tình, phát động rộng rãi tới các xã, phường, thị trấn. Đội tình nguyện đã vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia vào phong trào và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
Tuyên truyền đa dạng, sâu rộng về phòng chống ma túy.
Ban đầu, việc tiếp cận để vận động, tuyên truyền, tư vấn cho người nghiện ma túy cai nghiện, người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn do bản thân những người này mặc cảm với quá khứ, tự kỳ thị bản thân, họ e ngại, dè dặt, khép mình, né tránh khi tiếp xúc với những người khác. Để họ thực sự cởi mở, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi người tình nguyện viên phải phá bỏ được rào cản tự kỳ thị, mang lại cho người nghiện sự tin cậy, gần gũi, tin tưởng, từ đó mới có thể giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ họ về tinh thần, kết nối với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân học nghề, tìm việc hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vay vốn xây dựng cuộc sống mới, hòa nhập cộng đồng.
Ông Lương Chí Cường – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phú Thọ cho biết: Một điều quan trọng đối với người sau cai là cần có công việc ổn định, có thể nuôi sống bản thân, không phụ thuộc vào người khác. Với lợi thế là những người sống trên cùng địa bàn, tình nguyện viên đã cung cấp thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, pháp lý, kết nối với các tổ chức, cá nhân giới thiệu các chương trình dạy nghề, truyền nghề, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế phù hợp với khả năng, điều kiện cụ thể của từng người. Nhiều Đội tình nguyện tại tỉnh Phú Thọ đã tích cực, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thành lập các nhóm, câu lạc bộ tạo việc làm cho những người cai nghiện thành công để họ ổn định cuộc sống.
Bằng nhiệt huyết và trách nhiệm, nhiều Đội tình nguyện ở các địa phương đã tạo sân chơi cho người sau cai nghiện bằng cách thành lập các câu lạc bộ, nhóm tự lực để những người được giúp đỡ cùng nhau có những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao; động viên nhau về tinh thần, hỗ trợ về kinh tế. Những người cai nghiện tiến bộ được Đội tình nguyện mời tham gia chia sẻ về tác hại của ma túy trong các buổi tuyên truyền, diễn đàn của địa phương. Nhờ đó, giúp họ tự tin, xóa dần mặc cảm, sự tự kỳ thị của bản thân, đồng thời, xây dựng cái nhìn tích cực, tin tưởng hơn của cộng đồng. Đã có những người cai nghiện thành công, có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động cộng đồng được ghi nhận, trở thành tình nguyện viên đội tình nguyện tích cực.
Thành Sơn/GĐTE