Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức.
Hai học sinh mồ côi cả cha mẹ là anh em ruột Giàng Mí Sính và Giàng Thị Dở (cùng 9 tuổi), đang học lớp 3 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc. Từ nhỏ, các em đã được thím chăm sóc và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, gia cảnh của thím cũng rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu nhờ vào nguồn trợ cấp từ Nhà nước. Tổng kinh phí xây nhà là 80 triệu đồng từ Chương trình “Sức mạnh 2000”.
Đây là Chương trình được Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị triển khai từ năm 2020 với 4 nội dung gồm: xây dựng các điểm trường, nhà nội trú, xây "cầu hạnh phúc" và xây "nhà hạnh phúc". Chương trình đã xây được 150 điểm trường, nhà nội trú với 312 phòng học, nhà công vụ phục vụ nhu cầu dạy và học cho hơn 5.000 học sinh, giáo viên tại 16 tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 41 tỷ đồng; xây dựng 45 "nhà hạnh phúc" cho các học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn là người dân tộc thiểu số với tổng giá trị 3,6 tỷ đồng; xây dựng 11 "cầu hạnh phúc" với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng.
Cùng ngày, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã đến thăm, khảo sát việc thực hiện Đề án giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trường học của nhà trường; giao lưu văn hóa và các trò chơi dân gian với học sinh; đồng thời tặng nhà trường và học sinh 100 lá cờ Tổ quốc, 500 khăn quàng đỏ, 10 khèn Mông và 1 bộ trống.