Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội chủ động các biện pháp ngăn chặn tội phạm mua bán người

(Dân sinh) - Với mục tiêu phòng ngừa từ xa, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong quý I năm 2023, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Toàn quốc phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 118 nạn nhân bị mua bán, xảy ra tại các tỉnh, thành: Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Tuyên Quang.

Cục Cảnh sát hình sự đã điều tra, khám phá chuyên án triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) do đối tượng Đường Khắc Nghĩa (SN 1987), trú tại Thái Bình và đồng bọn thực hiện tại địa bàn TP Hà Nội và các địa phương phía Bắc, bắt 5 đối tượng… Công an các địa phương đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người và các hành vi phạm tội khác có liên quan đến mua bán người.

Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho nhân dân do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tổ chức.

Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho nhân dân do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tổ chức.

Điển hình như Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện điều tra 7 vụ, 19 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân; Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, điều tra 6 vụ, 29 đối tượng, lừa bán 7 nạn nhân; Công an TP Hà Nội phát hiện điều tra 4 vụ, 16 đối tượng, lừa bán 9 nạn nhân; Công an tỉnh Hà Giang phát hiện, điều tra 4 vụ, 5 đối tượng, lừa bán 4 nạn nhân. Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, điều tra 4 vụ, 13 đối tượng, lừa bán 20 nạn nhân…

Hà Nội được xem là một trong những địa bàn trung chuyển của các loại tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người. Với số lượng dân cư đông đúc, nhiều thành phần, trình độ dân trí không đồng đều, khiến cho tội phạm mua bán người ngày càng phức tạp, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, nạn mua bán người diễn ra dưới nhiều hình thức như: đưa người đi lao động nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, đẻ thuê, mang thai hộ, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, mua bán nội tạng dưới hình thức hiến tặng... Đối tượng mà bọn tội phạm mua bán người nhằm đến chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 35, trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhẹ dạ cả tin, mong muốn tìm kiếm việc làm có thu nhập cao.

Trước thực trạng đó, thực hiện chương trình công tác năm 2023 về tuyên truyền phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2023, từ ngày 04/5 đến ngày 14/6/2023, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín tổ chức hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại các xã ở cách xa trung tâm huyện cho Trưởng Ban chỉ đạo 138 cấp xã; cán bộ lao động thương binh xã hội, đại diện một số ban ngành đoàn thể cấp xã, Đội công tác xã hội tình nguyện, đại diện các thôn/tổ dân phố, chi hội, đoàn thể ở địa phương, các hộ dân và đặc biệt là có sự tham gia của một số gia đình có người thân bị mất tích, bị mua bán trở về, gia đình người có nguy cơ cao bị mua bán trên địa bàn xã.

Với mục tiêu phòng ngừa từ xa, báo cáo viên của Chi cục PCTNXH đã cung cấp, trang bị những kiến thức cần thiết cho đại biểu về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người thường lợi dụng, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; giới thiệu các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Đội công tác xã hội tình nguyện và gia đình trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời cung cấp các địa chỉ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và số điện thoại của cơ quan có thẩm quyền để người dân kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin và hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết.

Với phương châm phòng ngừa là chính, thông qua các hội nghị tuyên truyền từng bước phổ biến rộng rãi đến cán bộ cơ sở, người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống mua bán người, từ đó, mỗi cán bộ, mỗi người dân là một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và trong toàn xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn Thành phố.