Giá tăng do kiểm soát vận chuyển chặt hơn, đảm bảo phòng dịch
Nguyên nhân tăng giá không phải do hàng khan hiếm, mà việc vận chuyển hàng hóa khó khăn khi giãn cách, cộng với nhiều tiểu thương ở các tỉnh không về được Hà Nội bởi sự kiểm soát vận chuyển chặt chẽ.
Cạnh đó, nhiều địa phương cũng lưu ý người dân không buôn bán tại các nơi đang giãn cách nên hàng về Hà Nội ít hơn, khiến thực phẩm tại các chợ tuy không biến động mạnh nhưng có sự tăng giá ở tất cả mặt hàng trong những ngày qua, đặc biệt là các mặt hàng trứng, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…
Sáng nay (12/8), chị Tú Anh (phường Trung Tự, quận Đống Đa) cầm phiếu đi chợ ghi rõ khung giờ 6 - 8h sáng vào chợ Kim Liên mua thực phẩm nhưng đắn đo lựa chọn bởi mặt hàng nào cũng tăng giá, từ rau xanh đến thịt cá, rồi hoa quả.
Hai vợ chồng chị làm nghề tự do, tiền tiết kiệm cũng cạn dần mà giá thực phẩm tăng, trong khi 3 ngày mới ra chợ một lần theo phiếu được phường phát ra để đảm bảo giãn cách, đòi hỏi mỗi lần ra chợ chị phải tính toán gom đủ cho cả gia đình 6 người gồm ông, bà và vợ chồng cùng 2 đứa con đủ ăn trong 3 ngày.
"Giá mặt hàng nào cũng nhích cao hơn ngày thường nên phải lựa chọn mua cho đủ số tiền căn cơ cả tháng, đồng thời phải cắt bớt khẩu phần so với trước", chị Tú Anh chia sẻ.
Tình trạng tăng giá thực phẩm diễn ra ở hầu thàn quận nội thành và hết hàng trong ngày. Nguyên do, người dân một tuần mỗi gia đình chỉ đi chợ 2, 3 lần nên lượng mua lớn hơn và tiểu thương thì không lấy hàng quá nhiều, chỉ đủ bán hết trong ngày trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16.
Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh thuộc quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, giá thực phẩm tăng dần sau khi một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa do có ca mắc Covid-19.
Giá cả đồng loạt nhích lên, đặc biệt là trứng gia cầm
Các mặt hàng dồi dào, dù không biến động mạnh nhưng hầu hết giá cả đều nhích lên.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng từ 140.000 lên 160.000 đồng/kg; thịt bò 290.000 - 320.000 đồng/kg; giá thịt vịt từ 90.000 nhích lên 120.000 đồng/kg; trước thịt gà 120.000 đồng/kg nay lên 150.000 đồng/kg; Bún, bánh phở từ 12.000 tăng lên 15.000 đồng/kg; Trứng gà ta lên giá 40.000 - 50.000 đồng/chục... Rau củ quả cũng tăng giá, rau muống tăng từ 12.000 lên 15.000 - 18.000 đồng/mớ; các loại hoa quả đồng loạt tăng khoảng 5.000-7.000 đồng/kg…
Giải thích sự tăng giá thực phẩm, nhiều tiểu thương cho biết, dù thực phẩm và rau xanh không thiếu nhưng do một số chợ đầu mối đóng cửa, cộng với việc đưa thực phẩm từ các vùng lân cận vào thành phố gặp nhiều khó khăn, đẩy giá thực phẩm nhích lên.
Chị Nguyễn Hà (Long Biên, Hà Nội), cho biết, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị cũng ít đi chợ Quán Tình ở gần nhà hơn. "Dù toà nhà tôi ở phát phiếu đi chợ 3 ngày/tuần nhưng vì ở nhà không có khoản thu nên tôi chỉ dám đi chợ 1 lần/tuần. Ra đến chợ, tôi khá lo lắng vì sau 1 tuần, nhiều loại thực phẩm đã tăng giá", chị Hà kể lại sau khi ra chợ buổi sáng để mua thực phẩm cho gia đình.
Riêng mặt hàng trứng gia cầm thì tăng đột biến. Tại một số chợ dân sinh và cả siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá trứng gà, vịt đều có xu hướng tăng. Trứng gia cầm tăng từ 30.000 đồng/chục trước đây, giờ tăng lên 45.000 đồng - 50.000 đ/chục, không những thế rất nhanh chóng hết hàng, do đây là thực phẩm dễ bảo quản, người dân mua về có thể cất được lâu dài nên thường mua với số lượng lớn, dễ hết hàng.
Bên cạnh đó, theo giải thích của các tiểu thương tại chợ Kim Liên, chợ Khương Thượng, họ phải tăng giá bán lẻ do giá nhập trứng từ chợ đầu mối cao hơn. So với đầu tháng, nguồn cung trứng cũng ít hơn nên không nhập được nhiều hàng.
Chị Lê Thị Phượng, tiểu thương ở chợ Nhân Chính, Thanh Xuân và chị Phạm Thị Tính, chợ dân sinh phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết thêm: "Các chợ đầu mối đóng cửa thì chúng tôi phải lấy hàng ở chợ gần, buôn ở chợ nhà nên cái gì cũng đắt. Giá lên nhiều, bắp cải, cà chua, rau muống đều lên giá. Dưa chuột lấy vào đã 25.000 đồng/kg, rau sống cũng 30.000 đồng/kg. Rau ở nhiều nơi vẫn nhiều nhưng do người ta không mang về đây được".
Trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa vẫn đáp ứng đủ
Khẳng định hoàng hóa trên địa bàn Hà Nội dồi dào, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, nguồn hàng cung cấp cho những chợ đầu mối bị đóng cửa đã được các siêu thị đang hoạt động thu mua để tăng dự trữ.
"Do vậy những ngày qua, hàng hóa vẫn đảm bảo tại các siêu thị đang hoạt động. Và tại các chợ dân sinh, giá thực phẩm có tăng nhẹ do yếu tố cung cầu", bà Lan cho biết.
Bà Lan cũng cho hay, hiện Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... hầu hết đều được mở cửa phục vụ người tiêu dùng, giá hàng hóa tại các siêu thị đều ổn định.
Việc một số chợ có biểu hiện tăng giá một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh. 2 ngành NN&PTNT và Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.
Về việc thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động, Sở Công Thương cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thành phố chủ động mở thêm các điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa.
Cùng với đó, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường), đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7...); Các nhà phân phối đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, nên nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên toàn thành phố vẫn được đảm bảo.
Do đó, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường. Chỉ một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ trong vài ngày vừa qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày.
"Nhìn chung, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng" - Bộ Công thương khẳng định, các đơn vị cũng đẩy mạnh bán hàng online với lượng cung ứng cho người dân tăng từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Bộ Công Thương cũng thông tin, hiện Sở Công thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống.
Do đó, Sở Công Thương TP Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm, không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Hà Nội sẽ xử lý nghiêm việc găm hàng thổi giá thực phẩm, rau quả
Theo Sở Công Thương Hà Nội, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng thổi giá.
Trước tình hình một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị BRGMart, Minimart Haprofood/BRGMart, một số siêu thị VinMart, VinMart+ bị phong tỏa, tạm thời đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch, theo phản ánh, một số chợ dân sinh có hiện tượng tiểu thương đẩy giá thực phẩm tươi sống, rau xanh lên cao.
Sở Công Thương Hà Nội, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng thổi giá (nếu có).