Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội khi nào hết cảnh “bơi” trên phố sau mưa?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - “Vịnh Triều Khúc, huyện đảo Cầu Giấy, cảng nước sâu Mỹ Đình, làng chài Ciputra Keangnam, đầm Tràng Tiền”… những địa danh được ví von cho thấy thực trạng của Hà Nội mỗi khi có trận mưa lớn. Chương trình Táo quân hơn chục năm trước từng xuất hiện bài hát chế “Lụt từ ngã tư đường phố” khiến khán giả cười ra nước mắt về một Hà Nội cứ mưa là ngập…

Ngập trong biển nước

Hình ảnh Hà Nội ngập trong biển nước sáng 5/6 không làm nhiều người dân Thủ đô bất ngờ bởi họ quá quen với những tuyến phố ngập nước sau mỗi trận mưa lớn.

Trận mưa xảy ra đúng thời điểm đầu buổi sáng lúc mọi người đi làm khiến giao thông ùn tắc, hỗn loạn. Nhiều tuyến phố ngập  sâu 30 - 50cm, người dắt xe lướt thướt trong mưa và tắc cứng.

Các cửa hàng sửa chữa xe máy chật kín người chờ sửa xe vì chết máy. Nhiều người vẫn chưa đến được cơ quan dù đã hơn 9h…

ngap- Trieu Khuc.JPG
Phố Triều Khúc ngập nặng sau trận mưa lớn.

Người đi làm thì thế, người ở nhà cũng không hẳn đã sướng. Tuy không phải đứng chờ trong mưa vì tắc đường, chị Huệ (nhà ở phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cho biết, đến gần 10h, chị cùng cậu con trai 7 tuổi đang nghỉ hè hì hục tát nước ra khỏi nhà. 

“Lần nào cũng vậy, tuyến phố này cứ mưa to là ngập, nhà tôi quen rồi. Hôm nào mưa to là nước tràn vào nhà, săm sắp cả gang tay, lại phải huy động vợ chồng, con cái ra tát nước chống ngập.

Nước ngoài đường mà không rút kịp thì người trong nhà cứ ngồi trên nước mà đợi”, chị Huệ than thở và cho biết thêm, tuyến phố Nguyễn Huy Tưởng là một trong những điểm ngập khá sâu của Hà Nội nên mọi người đã quá quen với hình ảnh nhà nhà, người người cầm gáo tát nước sau mỗi trận mưa lớn…

Mới đây, tại hội nghị thông tin về kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2024 tại Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, năm nay thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt xuất hiện nhiều nơi, mưa lớn bất thường.

Trước thực tế trên, công ty dự báo gia tăng các điểm ngập úng tại nội thành. Theo đó, với những trận mưa lớn từ 50mm/h trở lên, địa bàn thành phố sẽ xuất hiện 30 điểm úng ngập.

Nguyên nhân do các gói thầu thoát nước chậm tiến độ

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân ngập úng là do các gói thầu thoát nước chậm tiến độ. Cụ thể, khu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2. Tuy nhiên, nhiều dự án thi công xong nhưng chưa thanh thải, bàn giao đưa vào vận hành (gói thầu CP3, CP4 cải tạo cống hóa mương của lưu vực...).

Nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công chậm tiến độ (đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, gói thầu số 2, cổng nước thải Yên Xá...); khu vực đô thị trung tâm có nhiều vị trí trũng thấp cục bộ, hệ thống cống cũ nhỏ xuống cấp, xa nguồn tiêu, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh nhiều rác, dầu mỡ chưa qua xử lý.

Với việc ngập úng tại lưu vực sông Nhuệ, một phần do sông Nhuệ chưa được cải tạo, bị lấn chiếm, chưa điều tiết được mực nước một cách chủ động (Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành còn hạn chế do vướng công tác giải phóng mặt bằng kênh dẫn La Khê).

Nhìn rộng hơn, theo Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, hệ thống thoát nước mưa ở nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ và Long Biên (gồm sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải).

Dù vậy, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng được 77,5km2 lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước cho khu vực thuộc các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. 

Còn lại, thành phố chưa hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho 62km2 lưu vực sông Cầu Bây và hệ thống tiêu thoát nông nghiệp kênh Bắc Hưng Hải (Long Biên), 47km2 lưu vực hữu Nhuệ và 58km2 lưu vực tả Nhuệ đáp ứng nhu cầu cho các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, một phần quận Tây Hồ và huyện Thanh Trì. 

Trong đó, 3 trạm bơm có trong quy hoạch chưa được xây dựng: Liên Mạc (công suất 170m3/s), Gia Thượng (65m3/s), Cự Khối (65m3/s). Riêng trạm bơm Yên Nghĩa đã hoạt động nhưng chưa thể vận hành hết công suất (120m3/s) do hệ thống kênh dẫn nước từ La Khê thi công dang dở. 

Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận hạ tầng thoát nước của thành phố còn thiếu hoàn chỉnh và đồng bộ, biến đổi khí hậu khiến những trận mưa rất lớn xuất hiện với tần suất nhiều hơn là những thách thức khiến tình trạng ngập lụt vẫn tái diễn liên tục nhiều năm gần đây ở Thủ đô. 

ngap- Đao Tan Lieu Giai.JPG
Trước cửa khách sạn Lotte, khu vực Liễu Giai - Đào Tấn chìm trong biển nước. (Ảnh: GH)

Công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống ngập úng đô thị

Trong khi diện tích đất đô thị chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại - dịch vụ thì quỹ đất dành cho công viên cây xanh, hồ điều hòa ngày càng giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng của Hà Nội ngày càng trầm trọng. 

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại Hà Nội chỉ là 2,06m2/người, không đạt mức tối thiểu của tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái, cũng như chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Một thống kê khác cho thấy, năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước, sụt giảm chỉ còn khoảng 1.165ha vào năm 2016 và ngày càng có xu hướng giảm.

Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, tính từ năm 2010 - 2017, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới. Quận Đống Đa vốn có nhiều ao hồ nhất với trên 30 hồ nhưng đến năm 2015 đã có 4 hồ bị san lấp.

Một số quận không thay đổi số lượng ao thì diện tích mặt nước lại bị thu hẹp đáng kể. Điển hình là tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 - 2017, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2.

Trước đây, hồ Tây rộng hơn 500ha nhưng sau khi kè vào năm 2010 chỉ còn 460ha. Nước mưa tự sinh ra nhưng không tự mất đi, phải cần chỗ thoát. Các hồ điều hòa giảm, đương nhiên sức chứa nước lụt giảm.

Một trong những điểm ngập úng trầm trọng và thảm hại nhất vừa rồi là khu đô thị mới An Khánh, nút rẽ vào từ đại lộ Thăng Long. Một số hầm chui đại lộ Thăng Long cũng bị ngập do hai bên đường trước đây là ruộng lúa, đến nay trở thành khu đô thị, khu công nghiệp.

Cao độ nền và hệ thống tiêu thoát của các khu đô thị mới chưa hoàn chỉnh và đáp ứng tương xứng với quy mô xây dựng.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 4/6, tham gia trả lời chất vấn về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ ra một số nguyên nhân như: Tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân chưa cao, xả rác thải bừa bãi... dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến xử lý nước thải.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.

Đồng thời tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.

Thái An

Báo Lao động Xã hội số 69

Tin liên quan