
Dọn dẹp, rắc vôi bột khử trùng sau lũ. Ảnh: Q. Trang
Hết giảm giá lợn kỷ lục lại thiệt hại nặng do lũ lụt
Sau khoảng 2 tuần bị nước lũ chia cắt, đường xá tại 3 xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã khô ráo trở lại nhưng cảnh đường làng ngõ xóm, nhà cửa, vườn cây xác xơ. Người dân không còn phải chịu cảnh giữa mênh mông nước vẫn khát nước sạch, không điện thắp sáng nữa. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết đã có hơn 1000 hộ dân tại vùng ngập huyện Chương Mỹ đã được cấp điện trở lại, nước rút đến đâu điện được cấp tới đó.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ cho biết, nước rút lũ đi để lại hậu quả nặng nề cho người dân, hàng loạt đồ dùng, thiết bị điện bị ngập nước, đường điện bị ẩm, mục nát và bị đứt. Sau khi cấp điện trở lại, công nhân Đội quản lý điện khu vực đã tổ chức đến từng gia đình, hỗ trợ kiểm tra thiết bị, đường điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại. Đồng thời, đơn vị này tiến hành sửa chữa các hư hỏng về điện do mưa lũ tại Trường tiểu học Nam Phương Tiến và Trường THCS Nam Phương Tiến A với mong muốn người dân trong vùng ngập úng sớm ổn định cuộc sống.
Ghi nhận tại vùng tâm lũ, vẫn còn đó những âu lo về cuộc sống sau sự cố vỡ đê đầy bất ngờ hôm 12/10. Dù sự cố không gây thiệt hại về người, song đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân. Những vật dụng trong nhà của hàng nghìn gia đình đã bị trôi theo dòng nước lũ. Hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà,… đã bị nước lũ dìm chết…
So sánh trận lụt năm 2008 với trận lụt do vỡ đê Bùi 2 vừa qua, người dân Nam Phương Tiến đều cho rằng trận lũ này về quá nhanh và nguy hiểm khiến hầu hết các hộ không kịp trở tay. Khi thấy nước lên, người dân giúp nhau vận chuyển đồ đạc của gia đình lên vùng đất cao, song vẫn không thể kịp di dời hết.
Nhiều người ngậm ngùi rằng, vừa trải qua cơn rớt giá lịch sử khi giá lợn giảm thấp kỷ lục trong nhiều năm, giờ đây lại bị cơn lũ tàn phá, người chăn nuôi lợn vùng lũ trải qua thêm những ngày gian khó chồng chất. Không ít gia đình phải bán tháo những con lợn, con gà vì chuồng trại ngập lụt, họ không còn nơi để tiếp tục chăn nuôi để vớt vát chút vốn.
Hôm nay, nắng vàng đã trải dài trên mọi con đường, ngõ xóm. Những chiếc giường, tủ, bát đũa xoong nồi, những bao tải lúa đều được người dân tranh thủ khi trời nắng. Người dân nơi đây đang lo nhất là dịch bệnh bùng phát gây thêm khó khăn.
Vẫn khát nước sạch
Chỉ tính riêng tại địa bàn xã Tân Tiến, hôm căng thẳng nhất, nước lũ đã cô lập khoảng 1.000 hộ dân, hàng trăm hécta hoa màu, thủy sản mất trắng, hàng vạn con gia cầm, gia súc bị chết. Chính trong thời điểm khó khăn ấy, người ta thấy ấm lòng bởi những hình ảnh “nhường cơm sẻ áo”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của bà con lối xóm. Khi không còn nước lũ, nhịp sống dần trở lại bình thường, người ta mới có thời gian để hỏi han nhau thiệt hại.
Từ khi mưa ngớt cho đến hôm nay, rất nhiều đơn vị hảo tâm chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ, những chuyến xe cứu trợ từ mọi miền đất nước. Rất nhiều tấm lòng đã tìm đến đồng bào bị lũ, hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần, sẻ chia những khó khăn với đồng bào vùng lũ. Trong cơn lũ lịch sử, ngôi nhà của bà Ngô Thị Khôi (xóm Vạn tiên, xã Tân Tiến, Chương Mỹ) bị nhấn chìm dưới dòng nước. Sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, chiếc giếng nhà bà Lan bị nước lũ tràn vào chưa kịp thau rửa nên chưa sử dụng được. Dù lũ đã rút, nhưng nước sinh hoạt của gia đình bà vẫn đục ngầu, nặng mùi hôi tanh “Nhà tôi đã dùng hết lượng nước uống dự trữ trong thùng. Khi nước rút gia đình tôi dùng mấy bình nước được chính quyền cấp cho nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, nước tắm không có, thấy chật vật, khó khăn vô cùng”, bà Lan chia sẻ.
Nỗi lo về nguồn nước uống nhiễm khuẩn sau lũ không chỉ riêng bà Lan mà còn là nỗi lo chung của hàng nghìn hộ dân nơi đây. Cho đến bây giờ, một số gia đình ở nơi địa hình thấp vẫn phải đi xin nước uống từ những hộ ở nơi cao không bị ngập nước. Cô Nguyễn Thị Minh - giáo viên trường mầm non Nam Phương Tiến cho biết: “Nước ngập khá lâu, rác thải vương khắp nơi, phòng lớp ẩm thấp, đồ đạc ngấm nước, trong khi đó dịch bệnh đau mắt đỏ và tay chân miệng đang vào mùa dịch nên chỉ sợ sau khi vệ sinh lớp xong vẫn chưa đảm bảo an toàn cho các con”.
Cùng với sự giúp sức của lực lượng chức năng, nước rút đến đâu người dân bắt tay vào dọn rửa nhà cửa, phun xịt thuốc vệ sinh phòng dịch bệnh đến đấy. Có những khu vực nước đã rút, có khu vực nước chưa rút triệt để, nên công tác dọn dẹp phải làm cuốn chiếu. Không ít người người dân ở Nam Phương Tiến đều có nguy cơ mắc bệnh ngoài da, tiêu hoá và các bệnh về mắt. Theo khảo sát của PV, số lượng người dân tới trạm y tế khám và lấy thuốc ngày một đông thêm.
Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, khi nước có dấu hiệu rút, xã mua 10 tấn vôi bột, thuốc phun cloramin để khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh. Cán bộ xã đã phát vôi và thuốc cho từng hộ dân để rắc đường làng, ngõ xóm, cống rãnh, trang trại... tránh xảy ra tình trạng phát sinh dịch bệnh sau lũ.
Theo Hà Phương/Giadinhnet