Đó là vụ việc một cháu bé bị tử vong tại trường mầm non tại quận Hà Đông, trước đó là vụ việc cô giáo đánh trẻ khi bé tè dầm cũng ở Hà Đông, rồi cô giáo cầm vai giật lắc, dúi vào mặt trẻ khi cho cháu ăn ở quận Nam Từ Liêm, hay vụ việc cô giáo cho các cháu tự xử nhau trong lớp ở huyện Chương Mỹ...
Trước những sự vụ đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng, cá nhân liên quan, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhằm hạn chế thấp nhất những trường hợp không mong muốn xảy ra, tạo môi trường giáo dục an toàn, văn minh, lành mạnh.
Loại hình giáo dục mang tính đặc thù cao
Hiện toàn thành phố Hà Nội có hơn 1.000 trường mầm non (gồm cả công lập, dân lập, tư thục) và gần 1.700 cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, số trẻ học tại trường mầm non công lập là gần 402.000 trẻ chiếm tỷ lệ 78%, số trẻ học ngoài công lập là trên 113.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 22%.
Đáng lưu ý, trong số các cơ sở giáo dục mầm non có 67 cơ sở chưa được cấp phép với lý do đang hoàn thiện thủ tục.
Khi dân số tăng nhanh, nhu cầu đi học của trẻ trong độ tuổi mầm non đang ngày càng cao, hệ thống trường mầm non công lập không đủ đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh. Hệ thống trường, nhóm lớp ngoài công lập phần nào đã giảm áp lực cho các trường công lập. Song nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa thực sự chú trọng hoặc chưa hội tụ đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ theo đúng quy định.
Thực tế, ngoài những quy định về địa điểm, đội ngũ giáo viên và các yêu cầu khác, người muốn thành lập cơ sở mầm non chỉ cần học qua lớp nghiệp vụ cơ bản trong ba tháng là có đủ điều kiện. Như vậy, với chuyên môn mầm non và khả năng quản lý của chủ cơ sở không cao, dễ dẫn đến chất lượng giáo dục và chăm sóc đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhiều cơ sở giáo dục chưa tốt. Có những vấn đề chủ cơ sở chưa ý thức tốt nhưng cũng có vấn đề chủ cơ sở coi nhẹ trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trong khi đó, đa phần các cơ sở giáo dục này hoặc sử dụng chính nhà ở của mình hoặc đi thuê các nhà khác để sử dụng làm nơi trông giữ trẻ, công năng không phù hợp với yêu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ vì vậy có nguy cơ xảy ra mất an toàn bất cứ lúc nào. Hơn nữa, giai đoạn này trẻ rất hiếu động, khả năng ứng phó bảo vệ bản thân còn hạn chế, chỉ cần sơ xảy là thương tích có thể xảy ra.
Một yếu tố khác không thể không nhắc đến, giáo viên tại các cơ sở mầm non đa phần là các cô còn trẻ tuổi, mới ra trường, thiếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ, đôi khi có những ứng xử không đúng khiến trẻ bị sang chấn tâm lý.
Bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, cho biết dù rất thông cảm với đội ngũ giáo viên mầm non bởi họ dễ bị căng thẳng trong quá trình nuôi dạy trẻ, thu nhập thấp nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận chất lượng giáo viên mầm non chưa đồng đều, có người chưa được cơ bản.
Chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non
Mặc dù, ngành giáo dục Hà Nội thường xuyên kiểm tra, quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non nhưng với số lượng trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non đông (chiếm tới 73% tổng số các trường và cơ sở giáo dục) do vậy việc quản lý gặp không ít khó khăn. Định kỳ và đột xuất, các Phòng GD&ĐT phối hợp cùng các ban ngành của xã, phường, thị trấn để tư vấn, chấn chỉnh kịp thời những bất cập.
Bà Trần Thị Hương, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, cho biết Phòng từng yêu cầu một cơ sở giáo dục mầm non tại phường Xuân La tạm dừng hoạt động do không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ mất an toàn cho các cháu. Có cơ sở khi đến kiểm tra phát hiện ra gạch bong tróc, chủ cơ sở trải thảm lên nhưng Phòng GD&ĐT cũng kiên quyết yêu cầu xử lý ngay.
Phòng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nguyên tắc trẻ ở đâu, cô ở đấy để đảm bảo an toàn cho các cháu và luôn nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong chăm sóc trẻ.
Tại quận Hà Đông, hàng năm Phòng GD&ĐT đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng chống các tai nạn thương tích thường gặp, cách sơ cấp cứu các tai nạn thương tích cho trẻ. Đơn vị này cũng chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập quy chế chuyên môn, cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Trước những vụ việc vi phạm an toàn của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non vi phạm quy chế, quy định của ngành trên địa bàn Hà Nội xảy ra vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo, giải quyết, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, khẳng định việc xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm phẩm chất đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, danh dự nhà giáo, đảm bảo an toàn, công bằng cho trẻ. Theo đó, cơ quan này tiếp tục chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non, tạo cho trẻ có môi trường học tập, vui chơi được an toàn, thân thiện.