Thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc đối tượng
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) I (thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh) từ lâu đã được biết đến là đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp nhận và quản lý đối tượng lang thang của thành phố Hà Nội.
Có mặt tại Trung tâm BTXH I đúng lúc 41 đối tượng lang thang đang tập trung tại phòng khách chăm chú theo dõi chương trình phim truyện trên tivi, chúng tôi cảm nhận một bầu không khí khá yên tĩnh và thoải mái. Anh Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, xem tivi là một trong những hoạt động giải trí hàng ngày được đơn vị tổ chức, giúp đối tượng lang thang thư giãn và tiếp cận với thông tin xã hội. Hầu hết đối tượng đều cảm thấy vui vẻ, nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ về phía một em nhỏ chừng 3 tuổi trong phòng, anh Quảng nói: Bé tên là Trần Nhã Tinh sinh năm 2015, quê ở Đa Tốn, Gia Lâm, được đưa vào đây hơn 10 ngày. Bé được Đội trật tự xã hội phường Hàng Buồm đưa vào đây cùng với bà nội khi đang đi xin ăn tại một tuyến phố trên địa bàn phường. Đây là lần thứ 2, hai bà cháu Tinh được đưa vào Trung tâm, nhưng do có yếu tố nước ngoài nên đơn vị đang phối hợp với Công an thành phố xác minh giải quyết.
“Vào đây, cán bộ thương lắm, nhiệt tình lắm. Hai bà cháu tôi được ăn uống đầy đủ, một tuần cán bộ cho cháu một hộp sữa bột để uống. Do bị bệnh viêm xương dẫn đến cụt chi nên Trung tâm tạo điều kiện cho hai bà cháu mang cơm về phòng ăn và bố trí phòng ở với một số đối tượng khác để tiện sinh hoạt”, bà nội của Trần Nhã Tinh chia sẻ.
Kế bên giường của hai bà cháu Tinh là trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Cư, gần 80 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Cụ được đưa vào đây khi đang lang thang bán tăm bông kết hợp xin tiền trên đường phố Hà Nội. Hay như trường hợp Nguyễn Thế Dũng, sinh năm 1992, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Ngày 24/9, Dũng được Công an phường Ngọc Thụy, quận Long Biên bàn giao cho Trung tâm khi đang lang thang xin tiền trên địa bàn phường. Với thể trạng gầy yếu, cộng thêm có biểu hiện tâm thần kinh không bình thường nên hiện nay Dũng đang được quản lý, nuôi dưỡng chờ giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm BTXH I cho biết, năm 2010, Trung tâm được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý người lang thang trên địa bàn 14 quận, huyện phía Bắc. Trung bình hàng năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 600 -650 người lang thang. Sau khi tiếp nhận, Trung tâm tiến hành tư vấn, phổ biến các quy định của thành phố và của đơn vị để đối tượng nắm và thực hiện; sắp xếp, bố trí nơi ăn ở; thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết thủ tục. Trong quý III/2018, Trung tâm đã tiếp nhận 145 người lang thang và giải quyết thủ tục cho 147 người về gia đình, chuyển trung tâm BTXH, bàn giao cho công an...
Ngoài công tác nuôi dưỡng, Trung tâm còn tổ chức hoạt động tham vấn về các chế độ chính sách theo quy định, phối hợp với chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú để giải quyết chính sách cho những người thuộc diện hộ nghèo, khuyết tật, cao tuổi, trẻ em bị bỏ rơi..., giúp họ ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng lang thang xin ăn. Hàng tuần, Trung tâm tổ chức các hoạt động như khám sức khỏe, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, đọc báo, xem phim, tạo không khí vui vẻ cho đối tượng. Với những người trong độ tuổi lao động còn sức khỏe được sắp xếp tham gia dọn dẹp vệ sinh buồng ở, khuôn viên Trung tâm; tham gia hoạt động tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.
Một buổi xem chương trình phim truyện của các đối tượng lang thang tại TTBTXH I.
Vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự phối hợp của các ban, ngành
Ngày 29/6/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 6053/QĐ-TTg về thực hiện công tác tập trung người lang thang, trong đó quy định cụ thể đối tượng lang thang được tập trung, nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Trên cơ sở đó, Sở LĐTBXH đã xây dựng kế hoạch thực hiện; thành lập các Đội trật tự xã hội lưu động trực thuộc các trung tâm BTXH có chức năng tập trung, tiếp nhận người lang thang. Các Đội trật tự này phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, đưa người lang thang về trung tâm BTXH để chăm sóc, hỗ trợ đưa về nơi cư trú. Thành phố Hà Nội hiện có 3 trung tâm được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý người lang thang là: Trung tâm BTXH I, ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh; Trung tâm BTXH II, ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa và Trung tâm BTXH IV, ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Thời gian qua, các trung tâm đã chủ động phối hợp với phòng LĐTBXH theo địa bàn được giao lập kế hoạch công tác kiểm tra, xử lý tình trạng người lang thang, qua đó hạn chế đáng kể tình trạng lang thang xin ăn, góp phần đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị cũng như công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tập trung người lang thang xin ăn còn một số khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm BTXH I cho biết, theo ước tính, trong tổng số đối tượng lang thang, có gần 50% trường hợp hành nghề do một nhóm bảo kê, lợi dụng trẻ em, người khuyết tật đưa đến các nơi xin ăn hay kết hợp bán tăm, qua đó người đi đường động lòng thương cảm cho tiền. Khi thực hiện công tác tiếp nhận, nhiều đối tượng phản kháng quyết liệt, thậm chí còn chặn, dừng xe, ném đá. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, có một nhóm bảo kê chuyên thuê một đội đến trước cổng Trung tâm để theo dõi mọi hoạt động của Đội trật tự xã hội và báo cho đối tượng biết. Trung tâm đã phối hợp với công an các xã Dục Tú, Mai Lâm, Nam Thăng Long mời một số đối tượng tới đấu tranh, lập biên bản nhắc nhở, nhờ đó hiện nay đã hạn chế được tình trạng này.
Bên cạnh đó, đối tượng lang thang phức tạp, có đủ các thành phần từ người già, trẻ em, người khuyết tật, nghiện hút, nhiễm HIV, vì mưu sinh bắt buộc họ phải đi xin tiền. Do không được ăn uống, ngủ nghỉ thường xuyên nên nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội rất cao. Một số đối tượng phản kháng, cắn làm xây xước những người thi hành công vụ, do vậy Trung tâm phải cho anh em đi khám, bố trí thuốc phòng. Mặc dù chưa xảy ra trường hợp nào có bệnh nghề nghiệp, nhưng thực sự đội ngũ cán bộ làm công tác này gặp rất nhiều vất vả nên mong có chế độ đối với người lao động.
Ngoài ra, một số đối tượng không muốn ở lại Trung tâm nên có hành động bỏ trốn, tìm cách đánh lại cán bộ, nhân viên, tạo tâm lý đám đông, gây khó khăn cho công tác quản lý. Đối tượng lang thang có hành vi tinh vi, thường xuyên di chuyển, tìm đủ mọi cách để phát hiện lực lượng chức năng; tổ chức hoạt động vào mọi thời gian, ngày nghỉ, giờ nghỉ, tập trung ở địa bàn đông, phức tạp.
Đánh giá về tính nhân văn của chính sách này, ông Lưu nhấn mạnh, theo truyền thống của người Việt Nam luôn thương những người có hoàn cảnh khó khăn nên việc hỗ trợ, cứu giúp là việc làm tốt. Chủ trương của Nhà nước là quan tâm đến người yếu thế không chỉ ở ngoài cộng đồng mà còn chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH, do đó, việc đưa đối tượng vào cơ sở BTXH là hợp lý. Tuy nhiên, ở đây bản chất của vấn đề là có một số kẻ lợi dụng việc đó để đeo bám đi ăn xin. Để giải quyết tận gốc vấn đề cần phải có những giải pháp đồng bộ nâng cao điều kiện kinh tế - xã hội, tạo việc làm, giúp người xin ăn dần nhận ra ý nghĩa đẹp của những đồng tiền có từ lao động. Và quan trọng hơn cả là sự phối hợp, ủng hộ của người dân trong giải quyết vấn đề này bằng cách không cho tiền người xin ăn.
Vẫn biết việc giải quyết tình trạng lang thang xin ăn tại một thành phố lớn tập trung một lượng không nhỏ người nhập cư như Hà Nội không phải việc dễ dàng. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và sự ủng hộ của người dân, chắc chắn vấn nạn này sẽ được kiểm soát và hạn chế đáng kể.
Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE