Đường dây môi giới mại dâm từ A-Z hết sức tinh vi
Đầu năm 2022, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hà Nội triệt phá thành công một đường dây chuyên môi giới mại dâm qua mạng xã hội Telegram. Nhóm đối tượng đã triệt để lợi dụng không gian mạng, thiết lập đường dây môi giới mại dâm từ A-Z hết sức tinh vi...
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều đại gia lắm tiền nhiều của cũng như giới “dân chơi” Hà thành kháo nhau về một đường dây “gái tuyển”. Những “chân dài” trong đường dây đều là sinh viên, gái văn phòng… luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Những gái bán dâm trong đường dây này được gọi là “Baby”, còn kẻ mua dâm được gọi là “Daddy”. Chỉ trong một thời gian ngắn, đường dây này quy tụ được hàng ngàn thành viên với hàng trăm gái bán dâm. Mỗi lần mua bán dâm, khách phải trả số tiền từ 3-10 triệu đồng, không phải thuộc dạng “bình dân” song cũng không phải là quá cao nên đường dây này ngày một "hot".
Theo một chỉ huy Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội), từ cuối năm 2021, Công an quận đã phát hiện ra đường dây mại dâm trên mạng xã hội Telegram và triển khai kế hoạch triệt phá. Với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ Phòng 5 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tháng 1/2022, nhiều tổ công tác của ban chuyên án đã đột kích vào một số nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn TP Hà Nội và Nghệ An, bắt được nhiều “tú ông” cũng như gái bán dâm…
Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng quản lý nhóm chỉ giao dịch môi giới với khách mua dâm và gái bán dâm qua nhắn tin bằng ứng dụng Telergam và xóa toàn bộ lịch sử nhắn tin sau khi giao dịch thành công. Tiền thanh toán đối tượng yêu cầu khách chuyển khoản lòng vòng bằng những nội dung giao dịch chuyển tiền ngụy trang rất kín kẽ.
Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, hoạt động mại dâm biến tướng dưới dạng “sugar baby - sugar daddy” đang có xu hướng ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhất là thông qua các nhóm kín, diễn đàn kín trên không gian mạng. Hình thức này đã bị biến tướng, bị lợi dụng, tiềm ẩn nguy cơ, khả năng phát sinh tội phạm mại dâm và các vi phạm pháp luật khác.
Trước diễn biến này, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương chủ động nắm tình hình có kế hoạch triển khai đấu tranh phòng, chống loại tội phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy này trong thời gian tới, tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý kịp thời, không để tệ nạn mại dâm lợi dụng hình thức “sugar baby - sugar daddy” để hoạt động.
Triệt xóa 100% các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm
Theo Kế hoạch số 33/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành, kế hoạch xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, thành phố sẽ duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mại dâm, đặc biệt là người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, người lao động trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt là triệt xóa 100% các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, duy trì để không tái hoạt động trở lại tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa; tổ chức kiểm tra 60% các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố.
Duy trì và nhân rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho 20% người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp thành phố và 10% ở cấp huyện, cấp xã.
Về nhiệm vụ giải pháp thực hiện, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm; huy động nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống mại dâm, hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Bên cạnh đó, thành phố chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em, để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các chính phủ, tổ chức quốc tế; đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác liên doanh liên kết trong nước và nước ngoài đối với công tác phòng, chống mại dâm.
Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống mại dâm; căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ và nội dung kế hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp tổ chức triển khai thực hiện đến cấp cơ sở, tăng cường công tác phối hợp để hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ với hiệu quả cao nhất.