Với nhiều sản phẩm “made in Vietnam” có mặt trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ, EU, Nhật Bản…
Điều này thể hiện các sản phẩm Việt không chỉ chinh phục người tiêu dùng khó tính mà còn trở thành biểu tượng cho chất lượng và giá trị bền vững.

Tăng tỷ lệ hàng Việt trên các kênh phân phối ngoại
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn tại các kênh phân phối trong nước: Trên 80% tại các siêu thị và trên 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống. Không dừng ở đó, hàng Việt còn mở rộng ra thị trường quốc tế, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã xuất hiện tại các chuỗi siêu thị lớn toàn cầu.
Những năm gần đây, gạo ST25 - loại gạo ngon nhất thế giới đã có mặt tại nhiều siêu thị của Mỹ và EU. Tương tự cà phê Trung Nguyên không chỉ xuất hiện ở những cửa hàng cà phê nhỏ mà còn hiện diện tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng đầu.
Còn trái vải Việt Nam sau khi vượt qua rào cản kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đã có mặt tại chuỗi siêu thị Loblaws của Canada và Woolworths (Australia). Nhãn lồng Hưng Yên cũng được nhập khẩu vào Mỹ thông qua hệ thống phân phối của Amazon Fresh và một số chuỗi bán lẻ khác...
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa cung ứng tại hệ thống trong nước, Saigon Co.op còn đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng Việt chinh phục nhiều thị trường với những sản phẩm đặc trưng.
Cuối năm 2024, Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina đã bàn giao 2 container hàng nhãn riêng Co.op Select để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đây là hàng sản xuất trong nước, được Saigon Co.op tinh tuyển từ nhóm hàng tiêu dùng nhanh, mang đậm bản sắc, tinh hoa ẩm thực Việt như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… với giá trị đơn hàng gần 70.000 USD. Kế hoạch năm 2025, SCD dự kiến xuất từ 120 - 150 container với giá trị ước đạt 120 tỷ đồng.
“Saigon Co.op đã hợp tác với hệ thống siêu thị quốc tế tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản để đưa hàng Việt ra thế giới; kết nối với kiều bào Việt Nam, giúp tiêu thụ sản phẩm Việt tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài; tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại nước ngoài, giới thiệu sản phẩm qua hệ thống đối tác quốc tế…”, ông Nguyễn Đức Anh cho biết thêm.
Tương tự, Công ty cổ phần Bibica đã xuất khẩu thành công sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu riêng đến 17 thị trường quốc tế, bao gồm các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Walmart - một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, nhiều mặt hàng "Made in Vietnam" từ quần áo, giày dép, dụng cụ, thiết bị cho đến thực phẩm, rau quả đã có mặt trong các chuỗi siêu thị lớn của Anh như M&S, Uniqlo, NEXT hay các siêu thị thực phẩm cao cấp như Whole Food, Waitrose, Mark & Spencer...
Các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như gạo, trà, cà phê, bánh kẹo đặc sản vùng miền, bánh đa nem, mì, phở, bún khô, các loại rau xanh, trái cây tươi cũng được bày bán phong phú tại các siêu thị người Việt và siêu thị chuyên doanh hàng châu Á như chuỗi siêu thị Longdan, Eutek group…
Nâng chất để vững “chân”
Xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ từ 3 năm nay. Thông qua các kênh phân phối lớn, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã lên kệ các siêu thị lớn tại Pháp, Australia, Nhật Bản, Thái Lan...
Hàng hóa được bày bán chủ yếu là nông sản nổi tiếng của Việt Nam như: Vải thiều, thanh long, chuối, nước mắm... và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng.
Theo các chuyên gia, việc đưa nông sản Việt Nam vào các chuỗi siêu thị quốc tế đòi hỏi chiến lược dài hạn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Một trong các vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý là phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu riêng nên doanh nghiệp phải hiểu rõ để lọt qua vòng kiểm dịch.
Tiếp theo là thiếu sự hiểu biết về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường đích. Việc nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam bị trả lại không chỉ vì lý do chất lượng mà còn bởi bao bì không phù hợp hoặc thông tin sản phẩm không đủ hấp dẫn người mua.
Chẳng hạn, trái xoài Việt Nam dù rất ngon nhưng bao bì chưa đạt chuẩn của thị trường EU và chưa thể hiện được độ tươi, sạch ra ngoài, dẫn đến khó cạnh tranh với các sản phẩm từ quốc gia khác.
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt qua các hệ thống siêu thị nước ngoài, Bộ Công Thương đã triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”.
Đề án tập trung vào việc xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược với các nhà bán lẻ quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam hoặc quan tâm đến việc mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Bộ cũng nghiên cứu và đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, bao gồm các giải pháp tài chính, hỗ trợ logistics và phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế mà còn giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặt khác, chuyển đổi số đang trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược mở rộng thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và vận hành không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn tăng cường hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng.
Giới chuyên gia khuyến cáo, mặc dù đã đáp ứng tốt nhu cầu nội địa nhưng để mở rộng ra khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp trong nước cần cải tiến quy trình vận hành và ứng dụng công nghệ.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng các hệ thống logistics liên kết chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ thương mại điện tử nội địa mà còn giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế nhanh chóng và hiệu quả.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 18