Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Anh tốt hơn so với cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)...
Xóa bỏ 94,4% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, ngày 16/5, Vương quốc Anh đã gửi văn kiện phê chuẩn Nghị định thư gia nhập, chính thức hoàn tất các thủ tục phê chuẩn việc gia nhập CPTPP.
Mới đây nhất, ngày 4/6, New Zealand thông báo đã hoàn tất quy trình thủ tục về phê chuẩn vấn đề này, trở thành thành viên thứ 4 của CPTPP hoàn tất thủ tục phê chuẩn (gồm Singapore, Nhật Bản, Chile và New Zealand).
Như vậy, theo quy định của hiệp định, chỉ cần thêm 2 thành viên CPTPP nữa hoàn tất thủ tục phê chuẩn là Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 16/10 tới.
Các nước CPTPP còn lại đang nỗ lực để có thể hoàn tất việc phê chuẩn trước thời điểm 16/10. “Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPPTP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư.
Việc phê chuẩn và thực thi các cam kết trong Nghị định thư gia nhập CPPTP của Vương quốc Anh sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Vương quốc Anh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường này nhờ cơ sở ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định UKVFTA, CPTPP. Từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực năm 2022, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước có chuyển biến tích cực, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều năm qua, các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu tại thị trường Anh là gạo, rau củ quả, thủy sản, dệt may, da giày; trong khi đó Việt Nam chủ yếu nhập máy móc thiết bị nên không là đối thủ cạnh tranh.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý I tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,07 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 1,72 tỷ USD (tăng 40,4% so cùng kỳ 2023).
Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 35,3% so cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu là cao su tăng 205,9%; điện dây cáp điện tăng 103,5%; sản phẩm sắt thép tăng 99%; máy móc thiết bị dụng cụ tăng 96,3%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 92,7%; cà phê tăng 88,4%; sản phẩm gốm sứ tăng 59%; bánh kẹo ngũ cốc tăng 53,4%; đồ chơi dụng cụ thể thao tăng 45%...
Hàng nông sản đón cơ hội lớn nhất
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu dân là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Khảo sát thị trường Anh cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, giày da, gạo… sang Anh.
Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất là: Điện thoại các loại và linh kiện 22,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 19,8%; giày dép các loại 12%; hàng dệt may 8,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,9%; hàng thủy sản 3,5%; gỗ và sản phẩm gỗ 2,8%; sắt thép các loại 2,7%; cà phê 2%.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, những mặt hàng có thế mạnh như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... sẽ được hưởng nhiều lợi thế nhất từ những cam kết của Anh khi CPTPP được thông qua. Trong đó, gạo là mặt hàng chủ lực sẽ có nhiều lợi thế để xuất khẩu vào thị trường Anh.
Theo đó, trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (từ năm 2030 trở đi) với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.
Vương quốc Anh cũng cam kết sẽ phân bổ hạn ngạch theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước” và không đặt ra yêu cầu thủ tục hành chính là cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo như trong FTA song phương trước đây.
Bên cạnh đó, cá ngừ cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.
Một điểm đáng chú ý nữa là cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều đó rất thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
5 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 400 triệu USD Trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 870 triệu USD. Trong đó xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá, kim ngạch đạt gần 100 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 400 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, đóng túi và cá ngừ nguyên con đông lạnh đều tăng gấp nhiều lần. Hiện sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã tiếp cận được hơn 65 thị trường; trong đó, Mỹ, EU và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất. Trước tình hình này, cả ngư dân và doanh nghiệp tại Nam Trung bộ đã cùng nhau xây dựng chuỗi liên kết, trong đó chú trọng khâu bảo quản để nâng giá trị sản phẩm. |
Khánh Vân
Báo Lao động Xã hội số 71