Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ đuối nước, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước, trong đó có bản thân trẻ em luôn hiếu động, tò mò; môi trường sống xung quanh trẻ không bảo đảm an toàn như tại các kênh, mương xung quanh nhà không có rào chắn an toàn. Ngoài ra, một số gia đình do hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải lo cho cuộc sống hàng ngày, nên thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ... Những vụ đuối nước xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng của trẻ em mà còn để lại nỗi dằn vặt và ám ảnh cho gia đình, gây tổn thất cho xã hội.
Để hạn chế tai nạn đuối nước cũng như trang bị kỹ năng, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em, những năm qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước cho trẻ em.
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu là giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích trên tổng số trẻ em xuống còn 0,55% năm 2025 và 0,5% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích trên tổng số trẻ em xuống còn 0,017% vào năm 2025 và 0,015% vào năm 2030. Hằng năm giảm 5% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030. Toàn tỉnh có 3.500 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn vào năm 2025 và 7.000 vào năm 2030; duy trì 100% trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn đến năm 2030; 7 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 10 vào năm 2030.
Tỉnh Hậu Giang cũng đặt mục tiêu 90% trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030. 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030. 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030. 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.
100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em năm 2025 và 90% vào năm 2030. Phấn đấu 70% nhân viên y tế ấp, khu vực, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 và 100% vào năm 2030. 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai thu thập thông tin, dữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em và triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em...
Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, xây dựng bể bơi tại các trường học. Thực hiện nhiều mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em.
Cùng với giải pháp của ngành chức năng, nhận thức của các bậc phụ huynh về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước đã được nâng lên. Nhiều gia đình đã thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng chống đuối nước trẻ em, chủ động dạy bơi cũng như trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho con em mình.
Tai nạn đuối nước trẻ em không những gây mất mát đau thương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội… Do đó, để phòng chống tai nạn đuối nước, trong thời gian tới, cùng với đẩy mạnh truyền thông, giáo dục kỹ năng về phòng chống đuối nước cho trẻ em, ngành LĐ-TB&XH Hậu Giang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng bể bơi và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp dành cho trẻ em. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Đặc biệt, gia đình cần quan tâm đến trẻ, chỉ bảo cho trẻ biết những nơi nguy hiểm, giám sát mỗi khi trẻ đến gần khu vực sông, kênh, mương nguy hiểm và sắp xếp thời gian để cho trẻ học bơi. Việc học bơi sẽ giúp trẻ tránh được sự nguy hiểm khi ở dưới nước cũng như có khả năng cứu được người không may bị đuối nước…