
Ảnh minh họa.
Sử dụng smartphone khi nào, với mục đích gì?
Hãy buông điện thoại xuống để trò chuyện cùng gia đình, bạn bè! Đặt điện thoại xuống để yêu thương nhau nhiều hơn! Mãi gần đây, tôi mới biết đấy là lời kêu gọi của David Beckham - một danh thủ bóng đá. David Beckham, người từng 115 lần khoác áo đội tuyển quốc gia Anh, sở hữu 54 triệu lượt yêu thích trên Facebook, có tổng giá trị tài sản gia đình lên đến hàng tỷ USD, nhưng lại có công thức hạnh phúc cực kỳ đơn giản.
Tôi cũng hình dung ra thế giới này là thế giới của smartphone từ việc mọi người đua nhau check-in tại nơi làm việc, khi ăn nghỉ, chụp ảnh tự sướng tại những nơi đi qua… Hình như cuộc sống hiện đại yêu cầu bạn phải có một chiếc smartphone?!
Có một câu chuyện đã khiến tôi cần phải đổi thay cách nghĩ, nói cách khác là tiết chế khi cầm smartphone: Có một cô gái trẻ, một lần lên xe buýt đông đúc vào buổi sáng, cô chợt nhận ra rằng mình là người duy nhất không nhìn chằm chằm vào chiếc smartphone. Điều đó làm cô nghĩ rằng, cách đây một thập kỷ, khi con người tìm kiếm cái gì đó, họ sẽ nhìn xung quanh, nhưng bây giờ mọi sự tập trung của con người chỉ hướng xuống chiếc điện thoại trong tay của mình. Cô cảm thấy chán ghét cái cảm giác này, quyết định xóa Facebook cũng như tắt Twitter trong smartphone. Sau một tuần (gần như) không sử dụng điện thoại, cô nhận ra một điều, thiết bị di động đang khiến cô lười suy nghĩ hơn so với trước đó. Một tuần không sử dụng smartphone đã giúp cô tìm được sự thanh thản.
Cô gái tâm sự: Nó giúp tôi thay đổi những thói quen ít nhất là trong một thời gian. Trong khi lái xe về nhà, tôi không còn liên tục nhìn vào màn hình điện thoại mỗi khi có đèn đỏ hoặc dấu hiệu dừng xe. Trên thực tế, tôi thích sự thanh thản đó đến mức tôi đã tự tắt bỏ toàn bộ thông báo trên điện thoại, đặt email ở chế độ cập nhật thủ công và đi đến nhiều nơi mà không cần chiếc smartphone bên mình. Tôi không có ý định trải nghiệm thêm một tuần không có smartphone. Mục đích của việc tạm dừng sử dụng smartphone không phải là để loại bỏ nó khỏi cuộc sống mà để chế ngự nó, bằng cách hiểu khi nào tôi thực sự cần smartphone. Một tuần vừa qua là một trải nghiệm tuyệt vời.

Ảnh minh họa.
Cần có sự kết nối thực sự
Dù có nhiều thời gian rảnh rỗi hoặc bận rộn, mọi người như đang có xu hướng cuốn vào Facebook. Nhiều gia đình vì vậy mà xáo trộn, gây gổ do những chuyện không đâu.
Đã có những câu chuyện dở khóc dở cười về những bộc bạch của con cái khi vì thương bố mẹ già rảnh rỗi mà mua tặng họ smartphone. Khi thành thói quen, các cụ dùng smartphone để “cạnh tranh” với bạn Facebook của mình. Có khi là chia sẻ những tin đồn thất thiệt, bình luận rôm rả, thể hiện nỗi đau buồn, bất lực trước những việc rất “tào lao” trên mạng.
Một cụ ông rất chăm chỉ đăng ảnh “cúng phây”, trong đó có “phóng sự” ông gặp các bạn thời chăn trâu làm tiệc gặp mặt ở quê bằng thịt chó. Vài giờ sau, bài đăng của ông bị vài người chia sẻ lại. Sau đó, rất nhiều bình luận thóa mạ, chửi bới của những người xa lạ trên mạng xã hội đã đổ bộ vào Facebook của ông. Ông đã phải đóng Facebook và nhập viện vì bị sốc.
Người già khi có nhiều thời gian, họ hay hoài niệm về quá khứ, về vai trò xã hội của mình. Khi có thêm công cụ công nghệ thông tin, nhu cầu này được bày tỏ nhiều hơn, dễ dàng hơn. Như một quy luật tâm lý, người lớn tuổi vẫn tìm cách kháng cự những cảm xúc tiêu cực của tuổi già. Họ thường xuyên đăng ảnh để chứng tỏ cuộc sống của mình vẫn rất ổn, rất vui, nhưng với tần suất quá nhiều, không kiểm soát được nên thành ra sống ảo. Và từ đây, đã có vô vàn chuyện dở khóc dở cười xảy ra.
Khi người già tham gia mạng xã hội, những người trẻ nên giúp họ về mặt công nghệ, giúp họ lọc thông tin, cái nào nên share, cái nào nên like và giúp họ bình tâm trước những thông tin nhiễu loạn. Vai trò giúp đỡ của người trẻ chỉ diễn ra hiệu quả khi sự kết nối là thực sự.
Nên sử dụng mạng xã hội như một kênh giúp chúng ta bước ra thế giới, quan sát được cuộc đời bằng nhiều góc nhìn hơn. Cần cân bằng quỹ thời gian sử dụng mạng xã hội để không ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cá nhân như giải trí, thể thao, giao tiếp với mọi người.
Hoàng Nam/TC HĐ&TE