Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hãy cho con quyền được ước mơ!

Mọi trẻ em đều có quyền được ước mơ. Ảnh minh họa: KT


Đừng bắt con gánh ước mơ của cha mẹ


Chị Hiền bán tạp hóa tại chợ. Ngày xưa, chị chỉ học hết lớp 9, mong ước của chị là các con có thể vào đại học và trở thành những người thành đạt trong xã hội. Để những mong ước trên có thể trở thành sự thật, chị đã làm việc rất chăm chỉ, để có thể kiếm được thật nhiều tiền đầu tư cho việc học hành của con. Không chỉ tìm trường giỏi, thầy giỏi cho con theo học, chị còn thường xuyên động viên, khích lệ con, vẽ cho con thấy viễn cảnh tươi đẹp nếu con học giỏi, thi đỗ các trường đại học có tiếng.


Dường như, ông trời không phụ lòng chị, cô con gái đầu trúng Đại học Ngoại thương đang học năm thứ 3 khiến chị vô cùng hãnh diện với họ hàng, làng xóm. Nhưng cậu con trai út của chị lại có vẻ không mấy hứng thú với việc học hành. Chẳng hiểu sao nó lại thích chụp ảnh và hay đi lang thang chụp ảnh dạo. Chị cấm con chụp ảnh, chị tịch thu máy ảnh mà con đã mua bằng tiền tích góp trong nhiều năm. Nhưng điều đó chẳng khiến đứa bé trở nên học hành giỏi giang hơn. Kỳ thi THPT năm ngoái, con trai chị đạt số điểm rất thấp, không thể vào được những trường đại học mong muốn. Tuy nhiên, với số điểm ấy, con chị vẫn thừa sức để có thể học một số trường đại học Dân lập hoặc Cao đẳng, nhưng cậu không chịu đăng ký trường nào mà đòi đi học nhiếp ảnh, với mơ ước có thể mở được một cái studio ảnh cưới thật lớn ở khu phố. “Viển vông, hão huyền” – đó là những điều chị nói với con, chị bắt con đi học bằng được một trường đại học dân lập cho bằng bạn, bằng bè. Kết quả, sau 1 năm học đầy chán nản, con chị đã tự ý bỏ học về nhà. Chị và con cãi nhau lớn, thậm chí, chị đã đuổi con đi. Tự ái, con chị lại lên Hà Nội, cậu xin đi làm thêm trong một cửa hàng ảnh. Trừ khi nhà có giỗ, chạp, bố mẹ đau ốm cậu mới về thăm, còn không có việc gì quan trọng, cậu nhất định không về, chị Hiền có cảm giác như đã mất đứa con trai này.


Chị còn nhớ, có lần tranh luận với con về vấn đề học đại học và tương lai sau này, con trai chị đã khẳng khái tuyên bố, thời đại 4.0, con người có thể học mọi lúc, mọi nơi, cái gì không biết thì tra Google, bằng cấp có là tốt, mà không có không có nghĩa là không thể xin được việc. Tại sai mẹ cứ quan trọng hóa cái bằng Đại học?!


Quả đúng là chị đã quan trọng hóa tấm bằng Đại học quá mức, cứ như thể không tốt nghiệp đại học thì con chị không thể nên người. Chẳng phải chính chị chỉ học hết lớp 9 vẫn có thể sống tốt đó sao, vẫn có một gia đình hạnh phúc và con cái được học hành, dạy dỗ đầy đủ. Vậy mà, chị lại áp đặt con nhất định phải vào Đại học, cho dù đó là ngành học mà con không thích.


Trong cuộc sống ngày nay, có không ít ông bố, bà mẹ như chị Hiền, lúc nào cũng mong con học hành giỏi giang, đỗ đạt. Chính vì khát khao, mong mỏi ấy, người lớn vô tình bỏ qua ước mơ, sở thích và nguyện vọng của trẻ. Thật may mắn nếu như điều bạn mong ước cũng chính là điều con ước mong. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ không thể đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, bạn cũng đừng nên quá thất vọng.

Hãy cùng con viết nên những ước mơ. Ảnh minh họa: KT


Ai cũng có quyền được ước mơ


Trước khi trở thành người lớn, chúng ta cũng đã từng là những đứa trẻ đầy ước mơ, hoài bão. Vậy tại sao, bạn lại không cho phép con được ước mơ thỏa thích. Ước mơ của của con trẻ, có thể viển vông, có thể phi thực tế, có thể rất khó để đạt được, thậm chí có những ước mơ lại quá đỗi giản dị và bị cha mẹ cho là tầm thường, nhưng dù đó là ước mơ gì đi chăng nữa, đó cũng là ước mơ của riêng trẻ. Trẻ có quyền được nói ra ước mơ của mình và có quyền được biến ước mơ ấy thành sự thật nếu ước mơ đó khả thi và trẻ có khả năng làm điều đó.


Bạn muốn con làm bác sĩ, nhưng trẻ lại ước mơ trở thành họa sĩ. Vậy sau này con bạn sẽ trở thành một bác sĩ hay họa sĩ? Bạn muốn con trở thành bác sĩ vì đó là một nghề cao quý, có thể cứu người, lại có thu nhập tốt. Còn con bạn lại muốn trở thành họa sĩ vì con có thể vẽ mọi điều con tưởng tượng, suy nghĩ. Hãy cứ để trẻ được thực hiện ước mơ của mình, và nếu có thể, hãy hỗ trợ con thực hiện ước mơ ấy.


Tuy nhiên, khi con dần khôn lớn và trưởng thành, bạn cần cho con biết rằng, không phải mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực, để biến ước mơ thành sự thật, con phải nỗ lực rất nhiều. Hầu hết trẻ em lúc còn nhỏ đều ước mơ trở thành họa sĩ, ca sĩ hay diễn viên, nhưng thực tế có rất ít người có thể làm được điều đó, vì những nghề này cần có năng khiếu thiên bẩm và sự cảm thụ đặc biệt, không phải ai cũng có tố chất để làm nghệ sĩ.


Bên cạnh việc để con được thoải mái bộc lộ những ước mơ, bạn cũng nên là người định hướng ước mơ cho con. Những câu chuyện đẹp về cuộc sống có thể sẽ gợi cho trẻ nhiều ước mơ cao đẹp. Đừng áp đặt, ép buộc con, hãy để con tự cảm nhận và nảy sinh những ước mơ phù hợp với năng lực bản thân.

Bình Yên/TC GĐ&TE