Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 bằng nguồn vốn vay từ ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết: Thời gian qua, các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn…được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang đang triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng qua các ngân hàng thương mại theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; trong đó, đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định, chủ động, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách đến người dân, doanh nghiệp.
Đến 30/6/2022, nguồn vốn đạt 3.457.373 triệu đồng, tăng 3.368.695 triệu đồng (gấp 39 lần) so với khi mới thành lập. Từ nguồn vốn ưu đãi góp phần khôi phục một số ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Cụ thể, Chi nhánh Tiền Giang đã giải ngân hiệu quả, tạo ra 99.394 lao động có việc làm; 92.074 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 599 lao động thuộc hộ gia đình khó khăn và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết, 20 năm qua, ngân hàng đã giải ngân cho khoảng 790 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, thu hút hơn 99 nghìn lao động có việc làm; khoảng 92 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận xét, hiện tại, tất cả các chương trình tín dụng chính sách đều phát huy vai trò, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của hầu hết các đối tượng thụ hưởng. Hàng năm, góp phần cùng với cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động trong nước và một số đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, thông qua các chương trình tín dụng chính sách còn hỗ trợ vốn cho hàng chục ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay trang trải chi phí học tập và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác. Từ đó, thúc đẩy đổi mới diện mạo nông nghiệp - nông thôn - nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, NHCSXH Tiền Giang sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; đảm bảo giải ngân nhanh chóng, kịp thời. Có thể khẳng định, việc đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến kịp thời với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là yếu tố quan trọng giúp Tiền Giang thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định kinh tế - xã hội địa phương.