Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống Covid-19 ở Hậu Giang

Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch; góp phần quan trọng để hoạt động của cơ quan nhà nước ổn định, thông suốt, hỗ trợ người dân nắm bắt thông tin cần thiết một cách kịp thời.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Hậu Giang - Ảnh 1.

Khai báo y tế bằng cách quét mã QR Code vừa nhanh chóng, tiện lợi lại hạn chế được việc tiếp xúc gần.

Tính đến nay, trên toàn tỉnh đã có hơn 140.000 người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Ngoài ra, trong tháng 7 vừa qua, Hậu Giang đã tích hợp thêm "Bản đồ Covid-19" và "Bản đồ các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu" trên App Hậu Giang. Các bản đồ này đã giúp người dân kịp thời nắm bắt những thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và tìm được những nơi cung cấp nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội.

Trong thời gian này, các ứng dụng Chính quyền điện tử đã được triển khai trước đó như hệ thống quản lý văn bản, hệ thống họp trực tuyến đang phát huy hiệu quả tối đa, giúp hoạt động của các cơ quan nhà nước được ổn định, thông suốt và đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tăng cường. Bên cạnh đó, các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber,... cũng trở thành một công cụ đắc lực. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tạo các hội, nhóm trên mạng xã hội để trao đổi công việc, chia sẻ những văn bản liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh việc hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, công nghệ thông tin còn góp phần hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Cụ thể là mới đây, Viettel Hậu Giang đã triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng phòng Covid-19. Đến nay, hệ thống đã hoàn thiện cập nhật 18.403/25.448 đối tượng tiêm chủng trong 3 đợt tiêm vừa qua, tỷ lệ đạt 72%. Trung bình mỗi ngày có từ 2.500-3.000 mũi tiêm mới được cập nhật trên hệ thống. Hiện có 100% cơ sở tiêm chủng đã sử dụng hệ thống để quản lý tiêm chủng cho người dân.

Để nền tảng được triển khai hiệu quả, Viettel Hậu Giang đã sắp xếp bố trí cán bộ công nghệ thông tin trực hỗ trợ tại các điểm tiêm lớn của tỉnh. Trong tháng 8 này, Viettel Hậu Giang và ngành y tế tỉnh nhà tiếp tục hỗ trợ các đơn vị để cập nhật hồi tố đạt 100% mũi tiêm lên hệ thống. Nền tảng này giúp người dân được tiêm vắc-xin chủ động và thuận tiện hơn, giúp ngành y tế triển khai việc tiêm chủng nhanh chóng, an toàn, dễ dàng giám sát, quản lý.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Tổ công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ như: nền tảng quản lý và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến; hệ thống quản lý, cung cấp báo cáo tổng hợp về phòng, chống Covid-19,... để hỗ trợ tốt hơn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.