Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hình tượng rắn trong văn hóa Việt

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong đời sống văn hóa người Việt, rắn là hình tượng quen thuộc và xuất hiện với những biến thể khác nhau như: Rắn, mãng xà, chằn tinh, giao long, rồng… được thể hiện sinh động trong văn học.

Các hình thức văn học như: truyện cổ tích, huyền thoại, thần thoại, ca dao, thành ngữ và sân khấu dân gian, nghệ thuật điêu khắc, hội họa với biểu tượng đa nghĩa. Trong đời sống tâm linh và thuật phong thủy, rắn là linh vật đứng thứ 6 trong 12 con giáp mang ý nghĩa biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc.

Biểu tượng đa nghĩa 

Hình tượng rắn trong văn hóa Việt - 1
 Hình tượng rồng (rắn) thời Lý - Trần trong nghệ thuật điêu khắc (Ảnh: LĐXH).

Rắn là loài vật đã đi vào đời sống văn hóa của nhân loại, với hình tượng không chỉ xuất hiện hầu hết trong các nền văn hóa mà còn mang ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

Từ xa xưa, loài rắn đã được kết hợp với một số nghi lễ mang ý nghĩa biểu hiện cho hai mặt là phúc thần và ác thần, tượng trưng cho sự sống bất tử và cái chết, dương thế và âm ty, sự hủy diệt và tái sinh.

Chính vì thế, từ cổ chí kim, từ phương Đông đến phương Tây, rắn là biểu tượng của nước, lửa, linh hồn, nhục dục, quyết đoán, đa nghi và biểu trưng cho cả giới tính nam, nữ… Trong đời sống văn hóa người Việt, rắn trở thành biểu tượng tâm linh, xuất hiện đa dạng với những biến thể khác nhau và với mỗi biến thể, hình tượng rắn đều mang một ý nghĩa riêng. 

Theo các nhà nghiên cứu văn học dân gian, truyện kể về rắn là một trong những nhóm truyện tương đối quen thuộc trong hệ thống nhóm truyện kể dân gian Việt Nam. Sự biến thể của hình tượng rắn từ thần thoại đến truyện cổ tích rất đa dạng và không chỉ có ở một địa phương mà nó phổ biến rộng rãi khắp cả nước.

Hình tượng rắn với biến thể trăn, mãng xà, chằn tinh xuất hiện khá nhiều trong các truyện cổ tích. Điển hình là truyện cổ tích “Thạch Sanh”. Mặc dù có nhiều dị bản ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng cốt truyện đều kể về một con chằn tinh (mãng xà) tu luyện lâu năm thành tinh chuyên đi hại người.

Muốn sống bình yên, mỗi năm dân làng phải cống nộp cho chằn tinh một mạng người. Nhưng cuối cùng chằn tinh quái ác đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của chàng Thạch Sanh dũng cảm liều mình cứu công chúa.

Nói chung với biến thể mãng xà hay chằn tinh, rắn đều biểu trưng cho thế lực ác, đồng thời phản ánh ước nguyện của dân chúng trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác.

Câu chuyện kết thúc có hậu, người hiền lành, tốt bụng sẽ gặp may mắn và giành chiến thắng, kẻ ác, gian dối, nham hiểm sẽ bị trừng trị, tiêu diệt. Rắn xuất hiện với biến thể là giao long trong truyền thuyết “Lạc Long Quân” và huyền thoại “Linh Lang Vương”, tuy chưa uy nghi, oai phong như rồng, nhưng nó mang ý nghĩa biểu trưng của sức mạnh thần quyền, vương quyền.

Hình tượng rắn trong văn hóa Việt - 2
Tượng rắn phong thủy mạ vàng (Ảnh LĐXH).

Trong huyền thoại “Thần Tản Viên”, rắn được cho là con trai của vua Thủy Tề, bị trẻ chăn trâu bắt được đánh chết vứt xác bên bờ sông, rồi may mắn được một chàng trai tốt bụng cứu sống, sau này rắn quay lại hậu tạ trả ơn cứu mạng.

Đây là mô típ khá phổ biến, phản ánh sâu sắc tâm thức tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp (văn minh lúa nước), với hình tượng rắn được ví với các vị thần nước, thần sông, thần biển.     

Ngoài truyện cổ tích, thần thoại, huyền thoại trong văn học dân gian còn có rất câu thành ngữ nói về rắn. Tuy nhiên, xét về mặt biểu tượng, rắn biểu trưng cho sự độc hại, nguy hiểm. Điều này thể hiện rất rõ qua những câu thành ngữ như: “Khẩu Phật, tâm xà”, “Miệng hùm nọc rắn”, “Ác như rắn hổ mang”, “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Rắn đổ nọc cho lươn”…

Thế giới loài rắn rất phong phú, đa dạng, kỳ lạ và đầy bí ẩn, với hàng trăm loại khác nhau, nhưng thường được chia làm hai loại là có nọc độc và không có nọc độc.

Hình tượng rắn cũng đi vào chuyện tình những đôi trai gái yêu nhau, họ có dịp hát hò đối đáp giao duyên với nhau để tìm bạn trăm năm trong những này lễ hội, Tết Nguyên đán: “Anh vẽ rồng rắn làm chi/Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày/Nói đi, nói đại sợ gì/Em đây hiểu được tình này em trao”.

Trên sân khấu dân gian có tuồng hát bội “Thanh xà, Bạch xà” được người Nam bộ yêu thích. Đây là câu chuyện tình huyền ảo, lãng mạn, cảm động về hai con rắn tu hành đắc đạo, trở thành hai cô gái xinh đẹp (Thanh xà và Bạch xà) cùng yêu thương và lấy chung một người làm chồng.

Nhưng tình duyên trắc trở, người chồng lâm trọng bệnh, Bạch xà buộc phải hiện nguyên hình trở về kiếp rắn, rồi trèo non, lội biển đi tìm thuốc trường sinh cứu chồng. Vở tuồng hát bội này đã lấy bao nước mắt của người xem, xóa bỏ những thành kiến về loài rắn. 

Ở lĩnh vực mỹ thuật dân gian (hội họa, điêu khắc), theo một số nhà nghiên cứu, hình tượng rồng chính là bắt nguồn từ hình tượng rắn. Điển hình như rồng thời Lý - Trần là một con rắn dài quấn làm nhiều khúc, đầu không sừng, không râu.

Theo cố giáo  sư, nhà sử học Trần Quốc Vượng, rồng Thăng Long Đại Việt là loại rồng - rắn, mình tròn trịa, thanh tú với nhiều khúc lượn nhịp nhàng, là loài có vẩy, ở dưới nước và cùng tượng trưng cho nước, cho mây, mưa, vốn là nhân tố quan tâm hàng đầu của cư dân văn minh lúa nước.  

Tín ngưỡng thờ rắn và biểu tượng phong thủy

Hình tượng rắn trong văn hóa Việt - 3
Tượng rắn phong thủy bằng chất liệu đồng. 

Rắn là loài vật được nhiều dân tộc trên thế giới tôn thờ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại Việt Nam, do xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, hình tượng rắn vì thế đã được đồng hóa với thủy thần (thuồng luồng, rồng).

Chính vì thế, trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt, việc thờ rắn là một hình tượng cơ bản tiêu biểu nhất của tục thờ thủy thần. 

Quan niệm dân gian cho rằng, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái, gian xảo, độc địa nhưng chính những đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn như vị thủy thần. Bằng chứng là từ xa xưa cho tới nay, dọc theo các con sông lớn, như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống xuất hiện rất nhiều đền thờ rắn. 

Trong 12 con giáp, rắn là linh vật đứng thứ 6 và ứng với năm Tỵ, mang ý nghĩa biểu tượng cho sự tái sinh, may mắn, tài lộc, thịnh vượng giàu có. Trong vòng đời của mình, rắn có tập tính lột da để phát triển ngày một lớn hơn, hoàn thiện hơn, vì vậy nó được coi là loài vật luôn đem đến cái mới mẻ.

Chính vì thế, trong phong thủy, rắn là hình ảnh gắn với sự thông minh, nhanh trí và đặc biệt giúp trấn mạch, mang đến cho gia chủ sự bình an, may mắn, tài lộc, công danh sự nghiệp.

Nhờ những ý nghĩa tốt đẹp này, nên tượng rắn được nhiều người lựa chọn để bài trí cho không gian phòng khách, phòng làm việc tăng thêm tài lộc và thịnh vượng, tránh xui xẻo, hoặc bị tiểu nhân hãm hại. 

Tượng rắn phong thủy đặc biệt rất hợp với những người tuổi Tỵ, Dậu, Sửu (thuộc bộ tam hợp), vì vậy nếu ai thuộc ba tuổi này nên có tượng rắn phong thủy đặt ở phòng khách trong nhà, hay văn phòng công ty…

Tùy mỗi loại theo phong thủy và tùy gia chủ tượng rắn có thể trưng bày bài trí ở phòng khách, kệ trang trí, phòng làm việc, quầy thu ngân giúp bảo vệ gia chủ, trừ tà khí, xua đuổi vận đen.

Rắn có khả năng phun nọc độc để hạ sát đối phương, nhưng khi được thờ cúng linh thiêng thì rắn sẽ dùng chính nọc độc và sức mạnh của nó để đối phó với những thế lực bên ngoài, bảo vệ các thành viên trong gia đình được bình an.

Hướng đặt tượng rắn phong thủy thích hợp nhất hướng Tây, Bắc và Đông Bắc giúp linh vật kích hoạt được những công năng trong việc thu hút tiền tài, may mắn, thịnh vượng…

Khi đặt tượng rắn phong thủy, cần lưu ý tuyệt đối không đặt ở không gian riêng tư như phòng ngủ, phòng bếp, phòng tắm sẽ mang đến phong thủy không tốt, thậm chí còn có hại cho gia chủ. 

Lương Định

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan