Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có 1.881 trường hợp tảo hôn (TH), 18 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), trong 22.825 trường hợp kết hôn (có 383 trường hợp cả 2 vợ chồng cùng chưa đủ tuổi, chiếm 26,68%trường hợp TH). Một số huyện có tỷ lệ TH, HNCHT cao như: Kim Bôi 422 trường hợp TH; Mai Châu 374 trường hợp TH, 1 trường hợp HNCHT; Lương Sơn 176 trường hợp TH; Đà Bắc 131 trường hợp TH, 17 trường hợp HNCHT… Đa phần các trường hợp TH, HNCHT tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc Mông, Tày, Mường, Dao.
Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa phương còn hạn chế. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp, kết hợp với phong tục tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Có nhiều gia đình việc quản lý con còn buông lỏng; công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình tại một số trường chưa chặt chẽ nên xảy ra trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn...
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2015-2020" theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, chú trọng các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức tại các xã có đông ĐBDTTS sinh sống, nơi vẫn còn tình trạng TH&HNCHT cao. Lựa chọn đối tượng chính để tác động làm hạt nhân tuyên truyền là cán bộ, người dân hộ DTTS; tuyên truyền viên các xã, xóm; già làng, trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể; người có uy tín, học sinh các trường PTDTNT THCS, PTDTNT THCS&THPT.
Ban Dân tộc đã phối hợp một số đơn vị liên quan tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về TH&HNCHT" cho học sinh trường PTDTNT THPT tỉnh và trường PTDTNT THCS&THPT B huyện Mai Châu. Phối hợp Sở GD&ĐT, UBND các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu khảo sát, lựa chọn địa điểm tại các vùng xảy ra tình trạng TH&HNCHT để xây dựng mô hình triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân - gia đình.
Đồng thời, biên soạn, cung cấp và tái xuất bản các sản phẩm truyền thông là tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới; xây dựng các pa nô, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn sinh hoạt nhóm nòng cốt, tuyên truyền tại các xã có tình trạng TH&HNCHT và một số trường PTDTNT. Các sản phẩm truyền thông trực quan đã nêu bật tác hại, hậu quả của TH&HNCHT với thông điệp truyền tải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu đã phát huy tác dụng rõ nét đối với nhận thức của người dân, học sinh.
Với sự nỗ lực tuyên truyền của các ngành, các cấp, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Hòa Bình đã giảm được gần 7,6% số cặp tảo hôn; cơ bản không còn cặp kết hôn cận huyết thống.
Từ kết quả đạt được, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu: giảm ít nhất 2 - 3%/năm trường hợp tảo hôn, đến năm 2025 cơ bản xoá bỏ tình trạng kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.