Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hoa Gạo hay Mộc Miên...

 
Gạo vươn cao khắp đất làng, đất bãi, khắp bờ sông, ven đê, gạo lẩn khuất trong núi đá vôi. Chẳng mấy ai nhớ gạo trồng năm nào, chỉ biết khi cây đơm hoa thì đã là cổ thụ. Thân xù xì, mốc thếch, lá non tơ và hoa nở đỏ. Đôi đứa trẻ tính gạo nếp, gạo tẻ. Chúng bảo:
 
- Gạo tẻ bông to, màu đỏ hanh vàng, 5 cánh thẳng. Còn gạo nếp bông nhỏ hơn, đỏ tươi, nở bung, cánh cong về đài hoa. Gạo nếp thường sai hoa hơn gạo tẻ.
 
Trẻ con nhặt hoa chơi theo cách của chúng. Chúng tranh nhau nhặt bông còn nguyên, không bị gẫy cánh, giập nát. Thường thì rơi từ tầm cao cổ thụ xuống, bông còn nguyên vẹn không nhiều nên rất quý.
 
  Xưa trẻ con quê ít đồ chơi, mùa hoa Gạo, cầm bông hoa trên tay, vui như nhận được quà. Đứa nào không nhặt được nhìn đầy thèm thuồng. Chơi mãi rồi ngắt từng cánh, lấy cặp ba lá tách đôi cánh, chỉ bớt lại cái diềm và ngậm mồm vào thổi. Cánh ấy phồng lên, càng to, càng thích. Chỉ thế thôi là đủ để chúng học theo nhau rồi cười giòn tan. Vì thế mùa hoa được nhớ, cây có xa mấy, giữa cánh đồng hay chân núi, bọn trẻ cũng tìm về. Có những cây gần ngay đầu làng, đầu chợ, đầu phố nhà mình thì chả mấy khi nhặt được hoa, chỉ chơi quanh gốc cũng vui. 
 
Người xưa truyền lại câu: “Thần cây đa, ma cây gạo”.
 
Sao lại thế? Phải chăng ma cầu bất cầu bơ không nơi nương tựa, đói khát được ở nhà “Gạo” đã là may, là ước nguyện. Nên chúng tụ về đấy cầu an. Lẽ thế mà ngày lễ cô hồn tháng ngâu, cháo trắng đổ trong phễu lá đa cắm đầy gốc gạo. Trẻ con đi qua run run, len lén nhìn vào. 
 
Dù vậy, nhưng khi mùa hoa, trước vẻ đẹp khó cưỡng lại của những bông màu đỏ, trẻ con vẫn ngước mắt ngắm nhìn và nhặt lấy những bông hoa đỏ rụng.
Gạo vươn cao khắp đất làng, đất bãi, khắp bờ sông, ven đê, gạo lẩn khuất trong núi đá vôi. Chẳng mấy ai nhớ gạo trồng năm nào, chỉ biết khi cây đơm hoa thì đã là cổ thụ.
Trời đã xanh hơn, nắng có bữa hanh vàng, hoa phơi phới khoe mình trong nắng.  Về màu đỏ của hoa, lại có thể nói rằng hoa mang màu đỏ của mặt trời, đọng nguồn năng lượng từ trên cao truyền xuống trần gian qua thân cổ thụ. Hoa không là màu nắng buổi sớm mai, lúc đứng ngọ hay khi chiều tà, mà hoa là những đốm mặt trời nhỏ, đậu trên cành an nhiên. 
 
 
Hoa gạo không để thờ cúng bao giờ, chỉ để nhắc nhớ, để chơi giữa đất trời những ảnh hình hội tụ của Xuân – Hạ, của những giao hòa đất trời, tiết mùa. Dưới bóng hoa, người ta như cảm nhận được rõ hơn điều mình kiếm tìm, mình gửi trao với vạn vật và cả với chính mình. Gạo nơi bờ sông, ven suối, hay gạo nơi bờ vùng, quán chợ… đều được người ta nhớ. Có những cây hay hàng cây gạo gắn với huyền tích lập làng, về những vị thần mang hiện thân là cây gạo, cho đến tận ngày nay bản thành văn còn chép, người làng còn kể. 
 
Gạo lừng lững cao thêm mỗi mùa, chẳng mấy người để ý, người ta thường chỉ kể cho nhau nghe về mỗi mùa hoa. Nhớ có năm rét ngọt dài ngày, phải đợi rét nàng Bân, Gạo mới nở hoa. Hoa rơi đỏ gốc hết cả tháng 3. Lại có những năm ít nồm, Xuân vội cạn ngày, tháng 2 đã nắng, tháng 2 Gạo cũng đã nở đỏ, chẳng thể đợi rét nàng Bân. Đặc biệt có năm, Tết nắng vàng, trong năm, cây Gạo đầu chùa đã nở hoa, tháng 3 về chỉ còn lác đác dăm bông, khiến bao người nhiều người ngỡ ngàng bảo“Chả nhẽ hoa báo sai’’. Có nói thế chứ, cũng phải đợi gạo ra quả, kết bông, Hạ mới trải nắng khắp nơi. 
 
Hoa nở trong miên man nắng gió, vời vợi đất trời, thong dong những cánh chim tránh rét bay về từ phương xa. Hoa khiến suy nghĩ và ước mơ bay lên, chạm đến gió và mảnh  mặt trời này. Hoa cho trái tim thổn thức và khát vọng chinh phục. Người ta biết vậy, nên mới tìm đến hoa, dẫu không cắt nghĩa ra mà thôi. 
 
Phải nheo mắt ngắm thân cành, phải ngước nhìn hoa mà vẫn thấy đẹp. Gốc rễ nhuốm màu thời gian, cành chắc khỏe,  mưa gió mùa Đông, nồm ẩm mùa Xuân, hay tự đâu không biết... màu đỏ về trên cánh hoa thật diệu kì. Từ khi mới nở cho đến khi rụng xuống vẫn màu đỏ ấy, tươi nguyên và rạng rỡ. Hoa 5 cánh như những mặt trời nhỏ, bay trong mùa xuân, rực cháy vào những ngày cuối mùa. 
 
Hoa rụng xuống, cầm trong tay, như thể cảm nhận được bước thời gian, những được, mất; buồn, vui; những gì còn lại để chiêm nghiệm. 
 
Hoa Gạo rụng tháng 3, khi hội Xuân đã vãn nhiều, lời ước nguyện đã theo sớ, theo hương về với đất trời, linh thần đã tỏ tấm lòng người tấu bẩm. Người ta sẽ yên lòng cho một hành trình mới. 
 
Hoa Gạo đỏ cũng lại là một dấu son tươi đẹp để nhớ về mùa “Bao giờ cho đến tháng 3/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”.
 
Người nhà quê vẫn tính như xưa, hàng phố nhiều người cũng vẫn vậy. 
 
Chuyện về làng, cổ kim bao giờ cũng nhắc đến cây Gạo chùa, Gạo miếu, như thể một chứng nhân.
 
Yêu một loài hoa, dù gọi tên Gạo hay Mộc Miên, cũng vời vợi kí ức thời son trẻ.
 
Hoa nở trong miên man nắng gió, vời vợi đất trời, thong dong những cánh chim tránh rét bay về từ phương xa. Hoa khiến suy nghĩ và ước mơ bay lên, chạm đến gió và mảnh  mặt trời này. Hoa cho trái tim thổn thức và khát vọng chinh phục.  

Nguyễn Minh Hoa/TC GĐTE

Tin liên quan