
Điều này khiến cho việc nuôi dạy con cái trở nên phức tạp. Con trẻ bắt đầu đưa ra những quyết định như chọn trường, bạn bè… nhưng lại chưa giỏi điều tiết cảm xúc. Vì vậy, tuổi teen dễ chấp nhận rủi ro và đưa ra quyết định bốc đồng. Do đó, rất cần xây dựng mối quan hệ lành mạnh và tin cậy giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, điều này không phải là dễ dàng. Thanh thiếu niên thường không hài lòng và từ chối những can thiệp của cha mẹ. Ngược lại, với bạn bè thì lại rất cởi mở. Chị Hạnh (Long Biên, Hà Nội) từng “phát điên” khi con gái 14 tuổi của mình “tuyên bố”: Mẹ không hiểu con bằng cái Trang (bạn thân của cô bé).
Chị Hiên cũng từng rất bức xúc khi cả bố cả mẹ bảo con học thêm tiếng Nhật, nhưng con gái nhất quyết từ chối. Đến đầu lớp 9, sau một buổi đi chơi với gia đình người bạn, cô bé lại nhất định đòi học thêm và hạ quyết tâm thi đỗ môn ngoại ngữ này.
Có đôi khi, những đứa con tuổi teen như thể bị câm khi được bố mẹ hỏi ngày hôm nay của chúng thế nào. Hoặc một yêu cầu rất bình thường, hợp lý từ bố mẹ thì chúng lại phẫn nộ, bất bình. Lúc này, điều cha mẹ cần làm là hãy hít thở sâu và nhắc nhở bản thân rằng con bạn đang trải qua tuổi thiếu niên tồi tệ của mình. Giai đoạn này sẽ trôi qua, và vai trò của cha mẹ vẫn vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý cho cha mẹ để thấu hiểu con mình.
Lắng nghe: Nếu tò mò về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con mình, việc đặt câu hỏi trực tiếp có thể không hiệu quả bằng việc cha mẹ chỉ cần ngồi lại và lắng nghe. Trẻ em có xu hướng cởi mở với cha mẹ hơn nếu chúng không cảm thấy bị áp lực khi phải chia sẻ thông tin.
Gọi tên cảm xúc của trẻ: Chúng ta thường có xu hướng cố gắng giải quyết vấn đề cho con hoặc coi thường sự thất vọng của trẻ. Cha mẹ hãy cho trẻ thấy rằng bạn hiểu và thông cảm với con, đôi khi chỉ cần một câu phản hồi: vậy à con?
Thể hiện sự tin tưởng: Thanh thiếu niên muốn được coi trọng, đặc biệt là từ cha mẹ. Hãy tìm cách thể hiện rằng bạn tin tưởng con mình. Để con bạn biết rằng bạn có niềm tin vào con, từ đó thúc đẩy sự tự tin của con và giúp vượt qua khó khăn.
Thiết lập quy tắc như không cứng nhắc: Hãy sẵn sàng giải thích cặn kẽ cho con những điều không được phép.
Khen ngợi: Cha mẹ có xu hướng khen ngợi trẻ nhiều hơn khi chúng còn nhỏ, nhưng thanh thiếu niên cũng rất cần được khen ngợi. Ngoài ra, nên tìm kiếm cơ hội tích cực và khuyến khích trẻ để mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ tốt hơn.
Kiểm soát cảm xúc của chính mình: Cha mẹ rất dễ nổi nóng khi con tỏ ra thô lỗ, nhưng bạn không nên đáp lại theo cách của con. Hãy nhớ rằng bạn là người lớn và con thì chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy, hãy đếm đến mười hoặc hít thở sâu trước khi trả lời. Nếu cả hai đều quá bức xúc, hãy tạm dừng cho đến khi bạn bình tĩnh lại.
Làm mọi việc cùng nhau: Nói chuyện không phải là cách duy nhất để giao tiếp và trong những năm này, hãy dành thời gian làm những việc cả hai cùng thích, cho dù đó là nấu ăn, đi bộ đường dài hoặc đi xem phim... Điều quan trọng là để cho trẻ biết rằng, chúng có thể ở gần và chia sẻ những trải nghiệm tích cực với cha mẹ.
Thường xuyên ăn cơm với nhau: Ăn cơm là một cách tuyệt vời để gắn bó với nhau. Các cuộc trò chuyện trong bữa tối cho phép mọi thành viên trong gia đình có cơ hội nói chuyện ngẫu nhiên về thể thao, truyền hình hoặc chính trị. Những đứa trẻ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cha mẹ về những điều hàng ngày có thể sẽ cởi mở hơn khi gặp khó khăn. Hãy nhớ, không được phép sử dụng điện thoại trong bữa ăn.
Hãy tinh ý nhận thấy những thay đổi ở trẻ. Nếu bạn thấy sự thay đổi trong khả năng hoạt động hàng ngày của con, hãy hỏi trẻ về điều đó và ủng hộ (không phán xét). Trẻ có thể cần sự giúp đỡ của bạn.