Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Hội chứng con nhà giàu

Hội chứng con nhà giàu mô tả đứa trẻ được nuông chiều quá mức cần thiết. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở tầng lớp giàu có mà còn dễ bắt gặp trong các gia đình trung lưu khi bố mẹ sử dụng vật chất làm phương tiện giáo dục con cái.

Hội chứng con nhà giàu - Ảnh 1.

Đứa trẻ mắc hội chứng con nhà giàu tin rằng mình có mọi đặc quyền. Chúng thường lười biếng, khả năng chịu đựng kém, không chấp nhận nếu có điều gì đó diễn ra ngoài dự tính. Chúng không biết quản lý cảm xúc, có xu hướng bạo lực và thể hiện sự cáu giận khi không đạt được thứ mình muốn. Đặc biệt, trẻ mắc hội chứng con nhà giàu thường tự ti và thiếu mục tiêu phấn đấu, không phát huy được tiềm năng.

Hội chứng con nhà giàu - Ảnh 2.

Hành vi của cha mẹ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng con nhà giàu ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh ít dành thời gian bên con nên bù đắp bằng cách nới lỏng luật lệ, cho đồ chơi và tiền mỗi khi trẻ yêu cầu. Họ nghĩ rằng cuộc sống tiện nghi đem lại hạnh phúc cho đứa trẻ mà không biết rằng quá bao bọc về vật chất gây hại cho quá trình phát triển của con.

Ralph Minear, giáo sư nhi khoa tại Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra các câu hỏi để phụ huynh tự đánh giá nguy cơ mắc hội chứng con nhà giàu của con em mình như sau:

- Bạn hay mua quà đắt tiền cho trẻ, ngay cả khi không phải dịp đặc biệt?

- Bạn phải chi nhiều tiền cho thú vui bất chợt của trẻ?

- Trẻ được xem tivi hơn 2 tiếng mỗi ngày?

- Trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa mà không xin phép?

- Bạn thưởng tiền và quà khi trẻ làm việc tốt?

- Trẻ thường xuyên kêu chán? Trẻ không biết cách giải trí dù phòng nhiều đồ chơi?

Hội chứng con nhà giàu - Ảnh 3.

Trả lời "có" cho các câu hỏi trên chứng tỏ con bạn có nguy cơ mắc hội chứng con nhà giàu.

Dù thế nào, trẻ em cũng có những nhu cầu cơ bản giống nhau. Chúng muốn được chơi đùa, cười nói, tương tác với thiên nhiên và động vật. Trên tất cả, trẻ em mong mỏi tình yêu thương. Sự hiện diện của cha mẹ cho các con cảm giác tự tin, an toàn không thể thay thế.

Muốn phát triển lành mạnh, trẻ phải được cân bằng giữa sự thỏa mãn và thất vọng, giữa tự do cá nhân và giới hạn.