Cha già muốn ngồi tù thay con trai
Về việc TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên mức án 7 năm tù giam đối với anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vì tội “Cưỡng đoạt tài sản”, ông Võ Văn Kỹ (cha ruột anh Minh) bày tỏ sự xót xa.
“7 năm tù giam là quá nặng với con tôi. Rõ ràng doanh nghiệp Tân Hiệp Phát chủ động liên hệ, làm biên bản rồi đồng ý đưa tiền cho Minh. Rồi cũng chính doanh nghiệp này báo công an bắt nó. Tôi thấy xót xa quá.
Buổi chiều hôm phiên xét xử diễn ra cũng có một nữ khách hàng đến tận nơi nói doanh nghiệp này hăm dọa. Nếu thằng Minh không ở tù thì sẽ là cô ấy.
Ngày mai gia đình sẽ lên trại giam, gặp Minh và có những bàn bạc tiếp theo để tiến hành kháng cao”, ông Kỹ cho biết.
Theo lời ông Kỹ, từ ngày con trai bị bắt đi, căn nhà trở nên lạnh lẽo và vắng bóng người. Chị Luyến (vợ anh Minh) phải đi làm ở xa để lấy tiền lo cho gia đình. Cháu bé con anh chị đã chuyển về sống với ông bà ngoại ở miền núi xa. Căn nhà quanh ra quẩn vào chỉ còn có 2 ông bà già cả ngoài 70.
Anh Võ Văn Minh bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án 7 năm tù vì tội "cưỡng đoạt tài sản"
“Sau khi sự việc xảy ra, vợ tôi và con dâu cũng có lên tận công ty Tân Hiệp Phát để xin gặp nhưng họ không tiếp. Cuộc sống trước đây không giàu có nhưng đầy đủ tất cả thành viên trong gia đình. Giờ đây mỗi người một nơi.
Tôi chỉ mong tòa án xem xét đúng tội để Minh được giảm án, mau ra tù để về phụ giúp gia đình. Nếu mà tòa án cho tôi thay thế con tôi ngồi tù thì tôi sẽ tình nguyện đổi. Mình già rồi không làm được gì nhiều, cháu nó thì còn vợ còn con trai”, ông Khuê nghẹn ngào nói.
Nỗi lòng người vợ trẻ, con thơ
Chị Nguyễn Thị Luyến (vợ anh Minh) cũng không tin nổi bản án 7 năm tù đối với chồng mình.
Trò chuyện với Đất Việt, chị Luyến xúc động nói: “Ngày trước vợ chồng, con gái chăm chỉ mở quán, làm ăn cuộc sống vui vẻ hạnh phúc. Giờ đây em thấy bi quan quá. Trước phiên tòa xét xử, em tâm lý không ổn định, ốm sốt liên tục. Ra tòa nhìn thấy chồng vừa mừng mà vừa lo”.
Chị Luyến kể rằng, từ sau khi chồng vướng vòng lao lý, tinh thần chị suy sụp đi nhiều. Tuy nhiên nhìn cậu con trai ngây thơ gọi cha hằng đêm chị lại cố gắng đứng dạy làm chỗ dựa cho mọi người.
“Lúc anh Minh bị bắt, cháu mới hơn 3 tuổi, vẫn vô tư, vô nghĩ chẳng biết gì. Nhưng khi thấy công an đến nhà, rồi hàng xóm người ta bàn tán, nói ra nói vào, cháu cũng về hỏi em chuyện ba bị bắt, bị bỏ tù. Em phải giấu, bảo ba đi lái xe cho mấy chú, cháu mới thôi không hỏi.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian. Hồi sau mọi người lại xì xào. Vì không muốn tâm lý cháu bị ảnh hưởng nên em đã đưa con về nhà ngoại ở vùng quê xa nhờ chăm sóc. Còn bản thân thì lên tận Bình Dương, Long Thành để tìm việc làm thêm.”, chị Luyến kể.
Anh Minh và con trai tại tòa
“Nhiều khi em về tận nơi đi thăm chồng. Có những đợt ốm đau, không làm được gì mấy thì phải gửi tiền về cho ba mẹ chồng đi gửi dùm. Có tháng ít việc thì gia đình phải phụ vào gửi thêm, chứ em cũng không có khả năng”, chị tâm sự. Cũng theo lời chị, số tiền lương từ việc phụ giúp quán cắt tóc của người bạn chỉ ở mức 2 triệu-3 triệu chỉ đủ dùng để mua sữa cho con, thăm nom chồng và tằn tiện gửi vài đồng cho bố mẹ già ở quê.
Nhận được nhiều sự sẻ chia và động viên từ mọi người, chị Luyến nghẹn ngào không nói thành lời: “Em ở quê ít học nên cũng không hiểu biết nhiều. Thấy mọi người thương mẹ con cũng mừng lắm. Nhất là việc anh Nam nhận làm cha đỡ đầu của con em. Thú thật hơn một năm nay, cháu thiếu vắng bóng cha. Nhiều khi thương con nhưng cũng không biết làm thế nào cả”.
Nói về kế hoạch sắp tới, người vợ trẻ khẳng định sẽ cùng gia đình làm đơn kháng cáo để đòi lại công bằng cho chồng.
"Gia đình em sẽ nhờ các luật sư tư vấn thêm để tiến hành các thủ tục cần thiết kháng cáo lên các cơ quan có thẩm quyền. Dù có khó khăn nhưng em sẽ quyết không từ bỏ", chị Luyến khẳng định.