Bộ LĐ-TBXH chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế về lao động và xã hội
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội thảo đánh giá Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, trong lĩnh vực lao động và xã hội, trên cơ sở Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 145/QĐ - TTg ngày 20/1/2016, Bộ LĐ-TBXH đã tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế như các công ước quốc tế về lao động, việc làm, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, tham gia các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA… cũng như tham gia vào các tổ chức đa phương, khu vực như Hội đồng quản trị của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác song phương truyền thống như Lào, Nga và các đối tác tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, EU, Hoa Kỳ…, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tạo tiền đề, mở ra khả năng mới hợp tác trong tương lai.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, hội nhập quốc tế về lao động và xã hội ngày càng mở rộng về phạm vi, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Hội nhập quốc tế đã góp phần tích cực trong việc ban hành Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em … Vấn đề nghèo đói và an sinh xã hội cũng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn khoảng dưới 4% vào năm 2019.
Thời gian qua, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi to lớn như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xu hướng già hóa dân số vẫn tiếp tục diễn ra một cách tự nhiên, đòi hỏi những thay đổi về chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội. Đại dịch Covid-19 đã làm cho thế giới phải nhìn nhận lại cách tiếp cận trong giải quyết nhiều vấn đề.
Trước những thách thức và bối cảnh mới trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành LĐ-TB&XH từ Trung ương tới địa phương cần đánh giá nghiêm túc những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội, tiếp tục xem xét bổ sung, điều chỉnh kế hoạch trong thời gian tới, đảm bảo các hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế phù hợp với tình hình mới.
Bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO chia sẻ về Tương lai viêc làm và an sinh xã hội trong bối cảnh mới
Việt Nam quan hệ với hơn 150 đối tác song phương, đa phương
Bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế phát biểu tại Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: Hơn 150 đối tác song phương, đa phương, phi chính phủ trong lĩnh vực lao động xã hội, hơn 200 văn bản hợp tác dưới các hình thức khác nhau như: hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ… Thúc đẩy thực hiện các cam kết lao động quốc tế trong FTA, Bộ đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với các vấn đề cam kết về lao động trong các thỏa thuận này. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/8 Công ước cơ bản của ILO....
Việt Nam đã thiết lập được cơ chế chỉ đạo, điều phối các hoạt động hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương; Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về lao động và xã hội; Thực hiện nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế.
Song, việc thực hiện Chiến lược vẫn gặp nhiều khó khăn như ngân sách nhà nước được bố trí trong kinh phí hàng năm của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương chưa đủ để thực hiện; Việc luân chuyển cán bộ, trình độ, số lượng chưa đủ, thiếu cán bộ biết ngoại ngữ; Khả năng nghiên cứu tiếp cận các quan điểm mới, xu hướng mới trong hội nhập quốc tế của Ngành còn hạn chế.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường nguồn lực tài chính, nhân lực cho việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách xã hội, lao động, việc làm; Tăng cường công tác truyền thông; đào tạo cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế, đặc biệt là tại các địa phương; Trung ương sớm ban hành các Chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai; Hoàn thiện pháp luật (xây dựng Luật An sinh xã hội, hoàn thiện sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng); Khuyến khích các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tự chủ và tăng cường hợp tác quốc tế...
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương trong việc xây dựng báo cáo về Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, chất lượng báo cáo từ các địa phương chưa cao.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng, hội nhập quốc tế là việc tham gia vào quá trình xây dựng các công ước; nội luật hóa những cam kết quốc tế thành luật pháp của Việt Nam, đồng thời hiểu được xu thế của thế giới và thời đại. Ngoài ra, khi hội nhập quốc tế, cần tăng cường năng lực hợp tác và cạnh tranh, tiến tới trở thành một đối tác tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Theo Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu tổng quát nhằm phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế so sánh của Việt Nam, tranh thủ tối đa môi trường, nguồn lực quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu phát triển LĐ-TBXH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Phấn đấu phát triển lĩnh vực LĐ-TB&XH đạt trình độ các nước ASEAN -6 vào năm 2020 và kịp các nước ASEAN-4 vào năm 2025.
Bài: Thanh Huyền - Ảnh: Tống Giáp
Chú thích ảnh:
Thanh Huyền - Ảnh: Tống Giáp/GĐ&TE