Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hội nhóm "vỡ nợ thích làm liều", "ngoại tình vụng trộm"... độc hại đầy MXH

Phóng viên
Phóng viên

Không khó để bắt gặp trên mạng xã hội nhiều hội nhóm xúi giục làm điều xấu với nội dung tiêu cực như: “Những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu muốn tự tử”, “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”, “Hội ngoại tình vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc”...

Hầu hết những nội dung đăng tải đều mang nội dung tiêu cực hướng người tham gia đến điều sai trái thậm chí xúi giục nhau tìm cách tự tử.

Đa số tâm lý người tham gia những hội nhóm này đều mong muốn tìm người có cùng hoàn cảnh với mình để tìm sự đồng cảm chia sẻ.

Screenshot (703).png
Hầu hết những nội dung đăng tải đều mang nội dung tiêu cực (Ảnh minh họa: Chụp màn hình).

Song các hội nhóm độc hại dễ dàng trở thành diễn đàn giữa những người tham gia và những kẻ có mục đích xấu. Khi tinh thần bất ổn người tham gia dễ dàng tin lời xúi giục dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Có thể thấy rằng, số lượng hội, nhóm trên các mạng xã hội có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh những hội nhóm chung sở thích, mối quan tâm như hội phụ huynh, hội học sinh, câu lạc bộ hâm mộ nghệ sỹ, thần tượng…. thì xuất hiện cả những hội nhóm kỳ dị, tiêu cực như: Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, Hội Báo chốt 141, Hội hướng dẫn cách bùng nợ vay qua app, Hội những người muốn tự tử, Hội người thứ 3, Hội ghét cha mẹ, Hội đi bụi, Hội lô đề.

Điều đáng lo ngại, các hội nhóm này hoạt động rầm rộ, lôi kéo rất đông người tương tác, thậm chí còn có cả những hội nhóm rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời…

Hội những người tìm cách tự tử không đau, Hội tâm sự của những người muốn tự tử hay Hội những người bị rối loạn, trầm cảm, lo âu… thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia.

Đơn cử như dư luận xã hội rúng động trước vụ cướp của, giết bảo vệ của 2 đối tượng tại ngân hàng BIDV ở Đà Nẵng vào tháng 11 vừa qua. Có một chi tiết đáng quan tâm: 2 kẻ cướp, một sống tại Quảng Nam, một sống tại Đà Nẵng, quen nhau qua một hội nhóm "vỡ nợ, làm liều", lên kế hoạch qua mạng xã hội và đặt sào huyệt trên đèo Hải Vân rồi thực hiện vụ cướp.

11 (2).png
Các hội nhóm độc hại dễ dàng trở thành diễn đàn giữa những người tham gia và những kẻ có mục đích xấu (Ảnh minh họa).

Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp nhóm đối tượng cướp Phòng giao dịch Nhị Xuân - ngân hàng Sacombank.

Các đối tượng quen nhau qua nhóm facebook "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", không biết lai lịch nhau, dùng tên giả để bảo mật, bàn nhau mua súng trên mạng xã hội để đi cướp, rồi sau khi gây án sẽ ra nước ngoài lẩn trốn.

Luật sư Bùi Trọng Hiển - Giám đốc công ty luật Bùi Trọng Hiển cho biết: “Theo quy định của pháp luật, hành vi xúi giục kích động bạo lực tệ nạn xã hội, cung cấp chia sẻ thông tin gây hoang mang nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, người có hành vi xúi giục dụ dỗ người khác tự sát có thể nhận mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp nếu làm cho 2 người tự sát trở lên sẽ nhận mức phạt tù từ 2 đến 7 năm”. 

Trước sự nguy hiểm của hội nhóm trên, mỗi người tham gia mạng xã hội cần có sự chọn lọc thông tin và thái độ lên án, phê phán đối với những hội nhóm độc hại này.

Đôi khi chỉ vì một phút không kiềm chế cảm xúc của bản thân, người tham gia vô tình hoặc cố ý truyền đi những thông tin nguy hại hoặc ảnh hưởng đến người khác.

Do vậy khi thấy bản thân hay người thân có dấu hiệu về tâm lý cần lắng nghe chia sẻ, tùy vào mức độ hãy nhanh chóng tìm đến những người có chuyên môn để tìm biện pháp điều trị phù hợp, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. 

Pha Lê