Cách tiếp cận bền vững để xây dựng năng lực cho tất cả giáo viên ở Việt Nam
Thông qua chương trình Giảm tốc độ, Trường học an toàn, lớp tập huấn kết hợp giữa phương pháp trực tiếp và trực tuyến sẽ cung cấp những nội dung cơ bản cũng như kỹ thuật sử dụng Tài liệu Điện tử an toàn giao thông cho hơn 6.000 đại biểu và giáo viên cốt cán đến từ 63 tỉnh thành ở Việt Nam. Các học viên sẽ được hướng dẫn hình thức tổ chức dạy học tốt nhất khi sử dụng bộ Tài liệu để thu hút học sinh trong việc học an toàn giao thông nhằm cung cấp cho các em kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông đường bộ an toàn suốt đời, theo phương pháp giáo dục sáng tạo và tương tác.
Trong khuôn khổ chương trình Giảm tốc độ, Trường học an toàn, Tài liệu Điện tử An toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học đã được phê duyệt để triển khai trên toàn quốc. Với mong muốn mang lại sự bình đẳng về phương tiện đi lại an toàn cho tất cả học sinh tại Việt Nam, ngày 6/4/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 946/QĐ‐BGDĐT phê duyệt bộ Tài liệu Điện tử An toàn giao thông làm tài liệu tham khảo, được sử dụng trong giảng dạy tích hợp và các hoạt động về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Tài liệu Điện tử An toàn giao thông cung cấp một công cụ giáo dục hiệu quả và sáng tạo lấy học sinh làm trung tâm nhằm giúp học sinh tiểu học được trang bị các kỹ năng an toàn giao thông cần thiết từ khi còn nhỏ. Từ nay, cho dù chọn bất kỳ phương tiện nào để đến trường, học sinh sẽ được an toàn hơn.
TS. Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chúng tôi thực sự vui mừng khi bộ “Tài liệu Điện tử Giáo dục An toàn giao thông cho học sinh tiểu học” đã được phê duyệt để triển khai trên toàn quốc và hôm nay chúng rất tự hào khi chủ trì tổ chức buổi tập huấn giáo viên cốt cán sử dụng bộ tài liệu này trong giảng dạy ATGT. Giờ đây, “Tài liệu Điện tử Giáo dục An toàn giao thông cho học sinh tiểu học” sẽ được sử dụng như một công cụ để bảo vệ mọi trẻ em ở Việt Nam trên đường đến trường và về nhà. Sự kiện quan trọng này đánh dấu bước tiến mới trong giáo dục an toàn giao thông trên khắp đất nước chúng ta.”
Theo đó, tài liệu gồm 10 chủ đề mô tả sự đa dạng các phương thức di chuyển của học sinh đến trường tại Việt Nam với bảy phương thức giao thông chính bao gồm đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ô tô, xe buýt, tàu hỏa, thuyền/phà cũng như các kiến thức và kỹ năng liên quan như đường đến trường, biển báo giao thông đường bộ, hậu quả và cách phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ. Thông qua Tài liệu điện tử, kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn dễ dàng được tiếp cận thông qua các lớp học trên lớp với giáo viên - như một phần của kiến thức nền tảng do nhà trường cung cấp. Ngoài ra các em học sinh cũng có thể tải phần mềm Tài liệu điện tử để tự mình khám phá hoặc có sự tham gia của ba mẹ tại nhà. Tài liệu điện tử tích hợp các video, trò chơi và hoạt động tương tác để trang bị cho học sinh các kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia lưu thông trên đường.
Tập huấn giáo viên cốt cán cung cấp các công cụ để triển khai trên toàn quốc
Việc Tài liệu điện tử an toàn giao thông được thí điểm thành công và Bộ Giáo Dục & Đào Tạo (MOET) phê duyệt thông qua Quyết định số 946/QĐ‐BGDĐT đã tạo nền tảng vững chắc để áp dụng Tài liệu này trên toàn quốc. Tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán sẽ đảm bảo rằng nội dung và mục đích của Tài liệu điện tử được truyền tải đầy đủ và hiệu quả đến học sinh tiểu học trên cả nước. Tập huấn đầu tiên do Bộ Giáo Dục & Đào Tạo chủ trì tổ chức cho các giáo viên cốt cán đại diện cho 63 tỉnh thành ở Việt Nam. Tiếp theo đó, tập huấn cấp tỉnh sẽ do các Sở Giáo Dục & Đào Tạo chủ trì tổ chức để các giáo viên cốt cán truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng của họ cho đồng nghiệp của mình tại địa phương.
Bằng cách tạo ra mạng lưới giảng viên ở cấp quốc gia và địa phương thông qua các hoạt động đào tạo, tất cả cá đối tác được trao quyền để đóng vai trò là đại sứ dự án. Mở rộng ra ngoài các tỉnh mục tiêu của chương trình Giảm tốc độ, Trường học an toàn, việc nâng cao năng lực cho giáo viên sẽ đảm bảo rằng học sinh trên cả nước sẽ được tiếp cận với các tài liệu này, và từ đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ sử dụng đường bộ thông minh, tạo ra chuỗi tác động tích cực lâu dài và bền vững cho việc di chuyển an toàn.
Bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Giám đốc Điều hành tại Quỹ AIP chia sẻ: “Trẻ em và thanh thiếu niên là trọng tâm của chương trình này và là mục đích công việc của chúng tôi vì các em là thế hệ tương lai của đất nước. Với Tài liệu Điện tử An toàn Giao thông, con đường đến trường, trường học và cuộc sống của các em sẽ được đảm bảo an toàn”