Chị Hằng ở Gò Vấp cho biết, vào dịp Tết gia đình chị được người bạn ở nước ngoài về giới thiệu cho ăn thử trái chà là tươi. Thấy loại này ngon nên mỗi tháng chị đặt mua 3 - 4 lần. “Trước đây thị trường chỉ bán mứt chà là nhưng nay nhiều cơ sở kinh doanh trái cây nhập thêm chà là tươi nguyên cành. Loại này ăn khác hẳn những trái có nguồn gốc Việt Nam. Chúng giòn ngọt, lại hơi chan chát nên ăn không ngán. Dù có giá gần nửa triệu đồng một kg nhưng thấy nó có nhiều công dụng nên tôi không tiếc”, chị Hằng nói.
Cũng cho biết khá mê trái chà là, chị Hạnh ở quận 3 mỗi tuần lại mua 2 kg để trong tủ lạnh ăn dần. Chà là tươi có vị thơm đặc trưng hơn so với hàng khô. Do đó, từ lúc mua trái tươi chị ngưng hẳn dùng loại khô.
Chà là tươi nhập khẩu về Việt Nam còn nguyên cành. Ảnh: NX.
Là người chuyên cung cấp chà là tươi ở TP HCM, anh Hùng, chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu ở Bình Thạnh cho biết loại này thường được nhập về từ giữa tháng 5, có xuất xứ ở Nam Phi, Ấn Độ. Tuy nhiên, chà là tươi được nhập nhiều về Malaysia nên hàng về Việt Nam đa phần xách tay từ đây.
“Trước đây tôi chỉ bán chà là khô nhưng nay nhiều khách hỏi loại tươi nên quyết định nhập về. Thời gian đầu ít người bán tôi lấy 15 - 20 thùng, mỗi thùng vài chục kg, về đến đâu hết đến đó. Loại này khách chuộng vì ăn ngon và lạ miệng, đặc biệt mùi thơm đặc trưng nên nếu khách ăn quen rất dễ nghiện”, anh Hùng nói.
Chủ cửa hàng trái cây ở quận 3 cho biết, chà là tại cửa hàng anh nhập chủ yếu có xuất xứ từ Nam Phi. Vì nhập loại ngon nên giá 530.000 đồng một kg, còn nguyên cành và được bảo quản kỹ càng nên hàng đảm bảo tới tay khách còn tươi nguyên từng quả. “Chà là tại cửa hàng tôi trái to, ngọt đậm đà nên giá cao hơn các cửa hàng khác. Mỗi lần tôi nhập khoảng 10 thùng nhưng bán trong vòng 1 - 2 tuần là hết”, chủ cửa hàng này nói và cho biết, quả chà là ngày càng được các nước châu Á ưa chuộng, đặc biệt là Malaysia.
Không phải là quý hiếm trên thị trường thế giới, nhưng tại Việt Nam giống và cây chà là ăn trái rất ít. Đa phần sản phẩm bán trên thị trường nhập khẩu từ Dubai, Tunisia, Israel, Nam Phi... Gần đây, người Việt khá chuộng sản phẩm này vì được quảng bá tốt cho sức khỏe. Mới đây, ở Đồng Tháp cũng có người trồng loại cây này với diện tích lớn nhưng trái nhỏ và không dày cơm như hàng nhập.
Theo Thi Hà/Vnexpress.net