Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Hương sắc vùng cao” giữa Hà Nội

Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội 2016” do Bộ VHTT&DL phối hợp với 10 tỉnh, thành như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội... vừa khai mạc vào ngày 21/11 và kéo dài đến hết ngày 23/11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

 

Ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội 2016” là hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, hưởng ứng, tôn vinh những di sản văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng núi cao phía Bắc với nhân dân và bạn bè quốc tế. Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Ngày hội Hương sắc vùng cao tại Hà Nội năm 2016 là hoạt động nghệ thuật quan trọng, nhiều ý nghĩa, nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao phía bắc”. 

 



Tại Ngày hội đã diễn ra nhiều triển lãm, trưng bày, giao lưu, trình diễn nhằm tái hiện lại đời sống người dân vùng cao một cách sống động, chân thực. Trong đó, điểm nhấn là giao lưu trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ và trang phục dân tộc.

Các nghệ nhân, nhân dân của các tỉnh đến trực tiếp từ các bản làng tham gia biểu diễn và giới thiệu những làn điệu dân ca, dân nhạc và dân vũ gắn bó với cuộc sống hằng ngày của họ. Như Sơn La là nghệ nhân và nhân dân đến từ bản Tông, bản Cóng; Lào Cai là người dân tộc Hà Nhì từ xã Y Tý; Lai Châu mang đến sắc màu văn hóa của dân tộc Lự; Tuyên Quang và Thái Nguyên giới thiệu làn điệu hát Then cổ của người Tày.

Đặc biệt tại Thái Nguyên đã có một họ tộc người Tày 4 đời lưu truyền làn điệu Then cổ, họ đã lưu truyền đến được thế hệ nhỏ tuổi nhất hiện nay (chỉ 3, 4 tuổi đã biết hát Then); Vĩnh Phúc có sự tham dự của người Dao và Cao Lan; người Mông từ bản làng của Hà Giang, Nghệ An... tất cả hòa sắc tạo nên một âm hưởng dân tộc đặc trưng tại Hà Nội.

Ngày hội các nghệ nhân và nhân dân vùng cao còn giới thiệu trò chơi dân gian đặc sắc: tó má lẹ, tung còn, xòe, sạp... Bên cạnh đó, tại không gian của Ngày hội, sẽ phục dựng ngôi nhà sàn dân tộc Tày,  trong đó giới thiệu nét văn hóa trong cuộc sống sinh hoạt và sản phẩm tiêu biểu  của đồng bào vùng cao... Khu ẩm thực là đặc sản thắng cố của Hà Giang và các sản vật vùng cao: chè, măng, nấm, thuốc, rượu, bánh, nông sản...



Đặc biệt Lễ rước dâu trong đám cưới của người Dao đỏ được tái hiện sống động tại Ngày hội với sự tham gia của các nghệ nhân và nhân dân, thầy cúng người Dao đỏ đến từ Tuyên Quang, Lào Cai. Khách thăm quan sẽ được tận mắt thấy và tham gia vào các thủ tục lễ cũng tổ tiên trước khi nhà trai sang nhà gái rước dâu và thủ tục lễ tại nhà gái trước khi rước dâu về nhà trai, sau đó là lễ rước dâu của người Dao đỏ...

Bên cạnh đó, Lễ cấp sắc của người Sán Dìu do các nghệ nhân dân tộc Sán Dìu xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc biểu diễn cũng là điểm thu hút tại Ngày hội. Theo phong tục của dân tộc Sán Dìu, người con trai khi đến tuổi thành niên thường được gia đình làm lễ Cấp sắc để đánh dấu sự trưởng thành và cũng bắt đầu đảm nhiệm được việc thờ cúng tổ tiên… Cấp sắc của người Sán Dìu gồm có 3 bậc: Bậc thứ nhất là lọc sắc phong pháp sư; Cấp sắc lần thứ hai  là sắc phong chức sư; Bậc thứ ba là sắc phong chức thứ gia tổng xuyến đây là bậc cao nhất trong hệ thống cấp sắc của người Sán Dìu…

Một điểm nhấn nữa tại Ngày hội là Triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng cao phía Bắc”. Tại đây đã tái hiện một cách khái quát về dân tộc vùng cao phía Bắc với các tổ hợp trưng bày: khu trung tâm là văn hóa phiên chợ vùng cao với sắp đặt như phiên chợ thu nhỏ, hòa sắc của 20 trang phục dân tộc, cảnh xuống chợ, bán vải, gùi hàng, bán hàng nông sản, ẩm thực thắng cố đặc trưng... Bên cạnh đó là hình ảnh tái hiện Lễ cấp sắc và lễ cưới của người Dao đỏ và giới thiệu nghề dệt thủ công của dân tộc Thái với hệ thống khung dệt và các quy trình dệt vải. Xung quanh khu trưng bày tái hiện cảnh quan làng, bản, chân dung người dân tộc, bản trích địa chí, dân số dân tộc vùng cao phía Bắc...