Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam năm 2017.
Dưới ánh sáng các văn kiện của Đảng từ sau Đại hội VI, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012-2020: Chính sách, pháp luật BHYT ngày càng được hoàn thiện; diện bao phủ tăng nhanh, đến tháng 06/2018 cả nước đã có gần 87% số dân có BHYT; BHYT trở thành nguồn lực tài chính chủ yếu của các cơ sở y tế trong cả nước hiện nay, là chỗ dựa tin cậy của bệnh nhân BHYT, nhất là những trường hợp ốm đau, bệnh trọng chi phí lớn...
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tiếp tục nhấn mạnh sâu sắc quan điểm: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển…Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân…”. Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025: “Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%”…
Lợi ích, vai trò, hiệu quả của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân đã được khẳng định. Con đường tiến tới BHYT toàn dân đã tiệm cận và sắp trở thành hiện thực; tuy nhiên, yêu cầu phát triển bền vững BHYT đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới; trước nhu cầu, đòi hỏi chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao, sự phát triển của y học hiện đại, biến động của giá cả, thị trường y tế; áp lực của việc đẩy mạnh tự chủ tài chính, cắt giảm bao cấp trong khám, chữa bệnh, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được chuyển sang hỗ trợ người tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…
Sự ra đời, phát triển BHYT có mối quan hệ mật thiết, gắn liền với quá trình đổi mới sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ở nước ta. Phát triển bền vững BHYT toàn dân, tạo nguồn lực tài chính đủ mạnh, chủ động cho công tác khám chữa bệnh, đòi hỏi toàn xã hội nâng cao trách nhiệm xây dựng, bảo vệ nguồn quỹ của cộng đồng, thực hiện phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Chủ đề truyền thông Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2018 là “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở”, nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng chính sách, giảm chi phí không cần thiết, thực hành tiết kiệm, tập trung nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao.
Thực hiện thắng lợi chủ trương BHYT toàn dân theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần đồng thuận cao nhận thức, thống nhất hành động, vào cuộc quyết liệt hơn; với tinh thần, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội; đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc ngay từ y tế cơ sở, đến người tham gia BHYT, giám định viên BHYT; phát huy vai trò, nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng, sử dụng hiệu quả, ngăn chặn gian lận, trục lợi, bảo vệ an toàn nguồn quỹ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT, tất cả nhằm mục đích tối thượng phát triển bền vững BHYT toàn dân.
Tất Thắng/TC GĐ&TE