Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hủy kế hoạch về quê ăn tết vì giá vé máy bay quá cao

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cận tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Do giá vé may bay dịp tết 2025 quá cao, không ít người đã từ bỏ kế hoạch về quê đón tết.

Nhiều chặng bay “cháy vé”

Tết năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Hương (TPHCM) có kế hoạch về quê Hà Nam đón tết cùng ông bà nội. Tuy nhiên, do đặc thù công việc của hai vợ chồng không chốt được ngày nghỉ tết nên chị Hương không mua được vé máy bay sớm.

“Phải sau Rằm tháng Chạp gia đình tôi mới chốt được ngày nghỉ tết. Nhưng khi vào trang đặt vé máy bay thì hạng vé phổ thông đã hết, giá vé hạng thương gia quá cao. Với giá vé khứ hồi, tổng số tiền vé máy bay của 4 thành viên trong gia đình lên đến hơn 30 triệu đồng. Chi phí đi lại quá lớn so với thu nhập của gia đình nên đành gác lại kế hoạch về quê đón tết”, chị Hương chia sẻ.

Hủy kế hoạch về quê ăn tết vì giá vé máy bay quá cao - 1
Dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu đi lại tăng cao, người dân khó mua vé máy bay chiều từ Nam ra Bắc.

Chị Hương cho hay, đã mấy mùa tết gia đình chị chưa về quê đón tết với ông bà nội. Ông bà đều đã cao tuổi, mong ngóng con cháu về ăn tết cùng.

Những năm trước kinh tế khó khăn, công việc không thuận lợi nên vợ chồng chị hứa với ông bà tết 2025 sẽ về quê ăn tết. 

Công việc năm nay thuận lợi hơn nhưng với chi phí đi lại cao nên gia đình chị lại thêm một lần lỡ hẹn.

“Dịp hè con được nghỉ học nhưng bố mẹ lại phải đi làm. Dịp tết cả nhà cùng được nghỉ thì giá vé máy bay quá cao. Chỉ tính riêng tiền đi lại đã hết 36 triệu đồng, lâu mới về quê nên bao khoản chi phí khác cần phải có: Tiền quà bánh, tiền biếu ông bà, lì xì các cháu, họ hàng, tiền tiêu tết…. tổng chi phí lên đến 60 - 70 triệu đồng.

Cả năm dành dụm cũng không đủ để tiêu tết nhưng ông bà ngày càng cao tuổi, cơ hội gặp con cháu cũng ít dần…”, chị Hương ngậm ngùi.

Không chỉ riêng chị Hương, nhiều người khác cũng quyết định không về quê đón tết do chi phí di chuyển bằng máy bay quá cao. Chị Minh Hòa (TPHCM) cho biết, gia đình chị quyết định không về Hà Tĩnh đón tết như dự kiến ban đầu vì giá vé máy bay quá cao.

"Tết này tôi phải trực cơ quan vào ngày Mùng 1. Những năm trước, nếu không phải trực, gia đình tôi thường về quê bằng xe cá nhân, tổng thời gian đón tết ở quê và cả đi lẫn về khoảng 10 ngày. Năm nay phải trực, thời gian nghỉ ngắn nên muốn đi lại bằng máy bay để tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, giá vé máy bay quá đắt nên gia đình tôi quyết định hủy kế hoạch về quê ăn tết. Biết bố mẹ, anh em, họ hàng và bạn bè sẽ rất mong nhưng không có lựa chọn nào khác", chị Hòa chia sẻ.

Cứ đến tết, vé máy bay chiều TPHCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc luôn “nóng”. Đến thời điểm hiện tại, một số chặng từ TPHCM đi miền Bắc và miền Trung vẫn còn vé nhưng phải nối chuyến phức tạp. Chẳng hạn, hành khách muốn bay từ TPHCM đến Đà Nẵng phải bay từ TPHCM ra Hà Nội rồi mới bay về Đà Nẵng.

Hiện chặng TPHCM - Đà Nẵng ngày 24/1 (25 tháng Chạp) giá vé máy bay của Vietjet còn vé nối chuyến qua Hà Nội với giá 6,1 triệu đồng/chặng, trong khi Vietnam Airlines cung cấp vé nối chuyến tương tự với giá từ 9,3 triệu đồng/chặng.

Dù các hãng hàng không đã bổ sung thêm 522 chuyến bay, tương đương lượng ghế cung ứng tăng khoảng 133.000 ghế trên các đường bay nội địa nhưng nhiều đường bay từ TPHCM đến các địa phương cũng đang được lấp đầy trong các ngày sát tết và tại chiều ngược lại trong giai đoạn sau tết. 

Vé tàu, vé xe cũng “khóa sổ”

Không chỉ có vé máy bay “nóng” dịp tết mà việc mua vé tàu, vé xe dịp này cũng khá khó khăn. Từ cuối tháng 11/2024 đến nay, ga Sài Gòn ngày nào cũng rất đông hành khách, chủ yếu là người dân về quê sớm. Vẫn còn lác đác người tới ga với hy vọng kiếm được những tấm vé cuối cùng về quê ăn tết, nhưng đa phần các chặng "hot" đều đã "khóa sổ".

Đơn cử, 10 mác tàu chạy ngày 25 - 29/1 (26 tháng chạp - mùng 1 tết) chặng Sài Gòn - Hà Nội đều không còn chỗ trống. Chặng Sài Gòn - Tuy Hòa cũng không còn ghế trống từ ngày 20/1.

Những ngày trước đó cũng chỉ còn vài chuyến tàu có ghế trống, giá khá cao: Giá vé ngồi mềm điều hòa từ 660.000 đồng đến gần 850.000 đồng tùy mác tàu, giường nằm khoang 4 giá hơn 1,17 triệu đồng. Một số mác tàu còn giường nằm khoang 6 giá 968.000 đồng nhưng phải phụ thu chặng dài tới 778.000 đồng, tổng cộng giá vé 1,746 triệu đồng.

Tương tự, giá vé máy bay, tàu hỏa và cả vé xe khách chiều Hà Nội đến một số tỉnh miền Trung dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025 hiện cũng đã hết. Ngày 16/1, chị Hồng Phượng (Hà Nội) tìm mua vé tàu cho gia đình về quê ở TP Vinh vào ngày 25/1 (26 tháng chạp) nhưng đã hết vé.

“Hết vé tàu, tôi gọi điện đến một số hãng vận tải ô tô khách nhưng cũng đã hết vé. Để về quê đón tết đúng ngày như dự định, tôi đành phải thuê xe taxi”, chị Phượng cho biết.

Một số nhà xe trên chặng Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh trong các ngày giáp tết gần như hết vé do hành khách đặt trước. Đại diện nhà xe Văn Minh cho biết, đã bán vé từ đầu tháng 1, đến nay đã hết chỗ từ ngày 18 đến 28 tháng Chạp. 

Theo dự báo của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm ở bến xe Giáp Bát khoảng 20.000 lượt khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường, tập trung chủ yếu các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… Bến xe Mỹ Đình có khoảng 22.000 lượt khách/ngày, tăng hơn 350%.

Dự kiến mỗi ngày, bến khai thác hơn 950 lượt xe, chủ yếu ở các tuyến Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất khoảng 5.000 lượt/ngày, tăng 250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 400 lượt xe/ngày, tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…

Ở bến xe Nước Ngầm, dự kiến lượng khách tập trung đi các tuyến Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Lượng khách khả năng tăng đến 140 - 150% so với ngày thường.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 8

Tin liên quan