Bố mẹ tôi đều là người Vĩnh Bảo, Hải Phòng, sau ra thành phố học tập và ở lại nội thành Hải Phòng sinh sống và làm việc. Dù sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng tôi rất thích được về quê ăn Tết.
Bây giờ, ông bà nội, ngoại không còn ai nữa, các cô, dì, chú, bác cũng đã di cư khắp nơi, ở quê chỉ còn lại vài người họ hàng thân thiết. Thường dịp Tết, tôi chỉ về thành phố thăm bố mẹ, ở với bố mẹ 1-2 hôm rồi lại vội vã đi.
Năm nay, tôi quyết định không chỉ về thăm nhà, mà sẽ cùng bố mẹ về Vĩnh Bảo ăn Tết.
Từ nhà tôi ở nội thành Hải Phòng về tới Vĩnh Bảo chỉ quãng bốn chục cây số, nhưng ngày xưa, đường vừa hẹp vừa xấu, lại phải đi qua một chuyến phà và một chuyến đò nên thời gian di chuyển khá lâu, mất tới 3-4 tiếng.
Những năm 90 của thế kỷ trước, cả gia đình tôi thường về quê bằng xe đạp. Những chiếc xe đạp cà tàng thuở ấy bây giờ chắc hiếm nhà nào còn. Sang hơn, hồi học lớp 9, tôi được bố mua cho một chiếc xe đạp mini Nhật để đi học và tôi thường đạp xe về quê, lúc thì cùng bố mẹ, lúc chỉ có một mình.
Sau bố mua xe máy, tôi được đi xe máy cùng bố và quãng đường về quê dường như được rút ngắn. Nhưng thực ra, tôi đâu có ngại đường xa, thậm chí tôi còn thích ngồi sau xe bố đi mãi, đi mãi để ngắm những cánh đồng hai bên đường đang mùa gieo mạ, ngắm cảnh sinh hoạt bên dòng sông quê, ngắm triền đê, ngắm dòng người đi lại ngược xuôi tất bật…
Tôi chỉ ngại cảnh phải chờ phà và đò để sang sông, mùi dầu máy xộc thẳng vào mũi khiến tôi như bị say xe.
Cùng ở Vĩnh Bảo, nhưng quê nội tôi kinh tế khá hơn, đường làng lát gạch sạch, đẹp. Quê ngoại nghèo hơn, đường làng vắng vẻ, đìu hiu, những ngày mưa phùn gió bấc, có khi còn phải xắn quần lội qua những vũng bùn mới vào được nhà.
Trong nhà bác tôi (ông bà ngoại tôi khi còn sống ở cùng bác), chó và gà được thả rông chạy lung tung khắp sân, vườn. Tôi nhớ, có lúc đang ngồi trên giường nghe người lớn nói chuyện thì có mấy chú gà con còn vào nhà quẩn quanh nô đùa ngay dưới chân tôi.
Lúc ấy, tôi vừa ngạc nhiên, vừa sợ. Tôi sợ những chú gà con nghịch ngợm sẽ làm bẩn bộ quần áo đẹp diện Tết của mình, vì như mọi trẻ em khi đó, tôi thích mình xinh đẹp trong ngày Tết.
Nhà nào ở quê ngoại tôi cũng trồng lúa và hoa màu. Mỗi dịp về quê chơi Tết, tôi thường được họ hàng đãi món khoai tây luộc chấm đường. Những củ khoai bi bé xíu không thể mang ra chợ bán sẽ được người nông dân giữ lại để ăn dần.
Thỉnh thoảng, chị họ tôi sẽ đốt rơm nướng khoai lang cho tôi ăn. Mỗi lần về quê, tôi thích chui trong bếp, ngửi mùi rơm cháy đượm, mùi khoai nướng thơm lừng và ngắm con mèo mướp đang nằm cuộn tròn ngay cạnh đống rơm.
Kể từ khi lên Hà Nội, học, tôi ít về được Vĩnh Bảo. Đến khi lấy chồng, sinh con thì số lần tôi về nguyên quán lại càng trở nên hiếm hoi hơn. Vậy nên, năm nay tôi về Vĩnh Bảo, nhiều người đã không nhận ra tôi và tôi cũng không còn nhớ được hết tên mọi người.
Nhưng làm sao tôi quên được bá tôi, nay bá đã gần 80 tuổi, tóc bạc phơ, lưng còng trĩu.
Còn đây là bác tôi, người bác thật thà và chất phác. Ngày xưa, lần nào ra nhà tôi chơi, bác cũng mang con gà trống ngon nhất để làm quà. Bác tôi không biết nói những câu hoa mỹ, gặp các cháu, bác chỉ hỏi chuyện học hành nhưng đứa cháu nào cũng yêu quý bác.
Tôi còn một người cô, cô không đi lấy chồng, chỉ quanh quẩn ở nhà lo hương khói cho ông bà nội. Năm nay cô cũng đã 70 tuổi, ngày càng già yếu, gần đây tôi thấy bố mẹ năng về thăm cô hơn.
Nhưng bao nhiêu chuyến thăm cho đủ để vơi đi nỗi buồn tuổi già của một người phụ nữ cô đơn không chồng, không con?!
Còn bao nhiêu cái Tết tôi được gặp bá, bác và cô tôi nữa đâu, vậy nên tôi rất muốn những cái Tết tới có thể cùng bố mẹ về quê. Tôi nhận thấy niềm vui lấp lánh trong đôi mắt đã có nhiều nếp nhăn của bố mẹ mỗi lần các con cháu muốn được về quê ăn Tết.
Đã nhiều lần bố định bàn giao vị trí trưởng đoàn đi chúc Tết cho anh trai tôi, nhưng cho đến bây giờ, thật may mắn là ông vẫn còn đủ sức khỏe để “đương nhiệm” chức vụ cao cả này.
Ngày Tết, còn gì vui được quây quần bên những người thân yêu, cùng ôn cố tri tân, nhớ về nhau bằng những kỷ niệm tươi đẹp!
Đường về Vĩnh Bảo bây giờ đẹp lắm, cầu thay phà, thay đò, ô tô phóng vèo chỉ hơn tiếng là về đến đầu làng. Ấy vậy mà, đôi lúc ngồi trong xe ấm áp, tôi lại nhớ da diết tiếng gió thổi ù ù bên tai; nhớ cả những cú xóc nổ đom đóm mắt vì ổ gà, ổ trâu ở trên đường, nhớ hai đầu gối sưng tấy đỏ vì mưa lạnh; nhớ cảm giác ấm áp khi đôi bàn tay bé nhỏ của tôi được ủ ấm trong hai túi áo bố... |
Thanh Huyền