Bình Gia là huyện miền núi, vùng cao, cách thành phố Lạng Sơn về phía Tây 75 km đi theo đường Quốc lộ 1B; phía Bắc giáp huyện Tràng Định; phía Đông giáp 2 huyện: Văn Quan và Văn Lãng; phía Tây giáp huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; phía Nam giáp huyện Bắc Sơn. Huyện có 20 đơn vị xã và thị trấn, trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn và 136 thôn đặc biệt khó khăn. Diện tích đất tự nhiên 109.415,1 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 11.000,7 ha; đất lâm nghiệp 77.638,0 ha. Huyện có dân số trên 55.610 người, với 12.868 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%. Cuối năm 2018, toàn huyện còn 3.681 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,61%, trong đó số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 3.670 hộ, chiếm tỷ lệ 98,66% tổng số hộ nghèo.
Với địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất và núi đá cao khiến cho các dãy đồi có độ dốc lớn, các thung lũng hẹp có diện tích nhỏ, đất ruộng chủ yếu theo các khe dọc sông, suối nên năng suất lúa, ngô và các cây trồng khác không ổn định. Kinh tế- xã hội của huyện chủ yếu là nông lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng chưa phát triển, thương mại và dịch vụ còn hạn chế. Tình hình sản xuất mang tính nhỏ lẻ tự cung, tự cấp, thu nhập và đời sống của nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Về cơ sở hạ tầng, tuy đã và đang được đầu tư, nhưng chưa được đồng bộ, so với nhu cầu còn thiếu, đặc biệt là các công trình phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt..; các công trình công cộng như: Trường học, nhà ở giáo viên, nhà ở bán trú cho học sinh, trạm y tế ở các xã đã xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Kiểm tra điều tra, rà soát hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Xác định Nghị quyết 30 về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là cơ hội giúp huyện vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cải thiện đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống với các vùng miền khác, huyện Bình Gia đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Hàng năm căn cứ văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho vùng đồng bào khó khăn, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Nguyên tắc hỗ trợ là đúng đối tượng, kịp thời, công khai, dân chủ khách quan và có hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện cho các đơn vị sớm tổ chức thực hiện, lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư khác trên địa bàn về các chương trình, dự án, chính sách dân tộc theo đúng quy định.
Để đảm bảo thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, lựa chọn danh mục ưu tiên để tập trung đầu tư, theo đó xác định cần tập trung đầu tư đường giao thông nông thôn tạo điều kiện để thúc đẩy tiềm năng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất và giao lưu hàng hóa, tăng thu nhập và cải thiện nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn từ năm 2013-2018, với tổng nguồn vốn Chương trình 30a và lồng ghép với các nguồn vốn liên quan khác là 39.186 triệu đồng (vốn ngân sách Trung ương là 96.129 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh là 43.057 triệu đồng), huyện Bình Gia đã khởi công xây dựng mới 8 công trình cấp huyện, duy tu sửa chữa 03 công trình giao thông. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 135 và lồng ghép các nguồn vốn liên quan khác là 128.079 triệu đồng, huyện đã khởi công mới 130 công trình, thực hiện duy tu, sửa chữa 77 công trình.
Thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 30a, năm 2018 với tổng nguồn vốn giao 5.783 triệu đồng cho 13 xã đặc biệt khó khăn, huyện đã chỉ đạo các xã khảo sát, lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai thực hiện.
Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Bình Gia còn 3.681 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,61%.
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a giai đoạn 2013-2018 trên địa bàn huyện Bình Gia đã hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng nhằm tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả có 79,5% số xã được cứng hoá đường ô tô đến trung tâm xã; 94% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%; nhiều trường học, trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân; hệ thống thủy lợi tưới tiêu được mở rộng, tăng năng lực và chủ động nước tưới cho diện tích đất sản xuất của nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 28,61%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc phân bổ kinh phí cho một số chính sách thực hiện trong giai đoạn có năm còn chậm, chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến tiến độ khối lượng công việc; công tác phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn và UBND các xã đặc biệt khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện có thời điểm chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên nên tiến độ thực hiện một số chính sách còn chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, còn 6 xã đường giao thông đến trung tâm chưa được cứng hóa, có nhiều tuyến giao thông nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa giữa các vùng, nhiều trường học chưa được kiên cố hoá; còn nhiều trạm y tế xã chưa được đầu tư xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn cao.
Trong thời gian tới, huyện Bình Gia đề nghị Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn tăng định mức hỗ trợ đầu tư từ Chương trình để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư với mức vốn bằng 20% giá trị công trình. Tăng nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh để tiếp tục thực hiện làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ. UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển thôn; quan tâm chỉ đạo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức cấp xã để đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí.
Minh Nhật/GĐ&TE