Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Nỗ lực để phát triển kinh tế-xã hội

Như Xuân là 1 trong 7 huyện miền núi của Thanh Hóa được thụ hưởng các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất dành cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đến nay, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, dù chưa có những bước đột phá nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của Như Xuân ngày càng thay đổi.

Lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Xác định phát triển kinh tế lấy sản xuất nông, lâm nghiệp là chính, ngay khi thực hiện nghị quyết 30a, song song với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện hành, huyện Như Xuân đã đẩy mạnh chương trình quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp với các vùng nguyên liệu:

cao su (trên 6.000ha), mía (3.600ha), sắn (3.000ha), gỗ (7.000ha)... nhằm khai thác diện tích đất đồi bãi, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong vùng và giải quyết tối đa việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Đến nay toàn huyện đã thẩm định, phê duyệt và hỗ trợ vốn 100% cho 9/17 xã xây dựng mô hình phát triển sản xuất; huyện có 1.233 hộ tham gia nhận giao khoán, bảo vệ 3.138,6 ha rừng.

Toàn huyện đã tiến hành hỗ trợ mua 3.243 lợn nái sinh sản cho 2.243 hộ; 650 dê cái sinh sản cho 650 hộ; 17.752 gà giống (3-4 tuần tuổi) cho 252 hộ; hỗ trợ mua 2.170 trâu bò sinh sản cho 2.775 hộ nghèo... Được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ dân Như Xuân đã thoát nghèo.

Với lợi thế là huyện miền núi có điều kiện đất đai, có tiềm năng phát triển nông-lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc... ngay khi được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo, người dân đã sớm được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước thay đổi tập quán cũ đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt chính sách hỗ trợ mua mỗi hộ 1 trâu hoặc 1 bò, nuôi dê sinh sản đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững lại có vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Không chỉ từng bước tạo ra sự phát triển bền vững trong kinh tế hộ gia đình và trong phát triển kinh tế địa phương, công tác nâng cao năng lực cho cán bộ thôn xã, các chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt về các xã để chỉ đạo, điều hành thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển cũng được các cấp chính quyền nơi đây hết sức quan tâm. 

Trong hơn 5 năm thực hiện quyết định 71/2009/QD-TTg về Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động Ban chỉ đạo XKLĐ đã tổ chức 9 hội nghị cấp huyện, 25 hội nghị cấp xã, thị trấn về công tác tuyên truyền XKLĐ.

Đến nay đã có 542 lao động tham gia học ngoại ngữ và định hướng; 373 lao động xuất cảnh (QĐ 71 là 186 lao động) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, có thu nhập ổn định và gửi tiền về cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội xóa đói, giảm nghèo ở địa phương...

Được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ dân Như Xuân đã thoát nghèo.

Được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ dân Như Xuân đã thoát nghèo.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Những năm trước đây ở Như Xuân có đến 50% số xã có tỷ lệ hộ đói nghèo trên 50% và nhiều xã đặc biệt khó khăn như:  Thanh Xuân, Thanh Phong gần 70%, Thanh Quân gần 80%...

Trong những năm qua nhờ thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững ở Như Xuân đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Ông Dương Văn Mạnh, chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: “Sau hơn 5 năm thực hiện nghị quyết 30a và các chính sách giảm nghèo hiện hành, các cấp, các ngành đã chú trọng quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân với mục tiêu hướng đến giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 51,32% năm 2010 xuống còn 30,96% cuối 2013; mức thu nhập tăng bình quân khoảng 12 triệu/người. Giai đoạn 2009-2013 từ nguồn vốn 30a đã đầu tư xây dựng 23 công trình trên toàn huyện, sửa chữa, nâng cấp 4 công trình.

Đến nay toàn huyện đã có 100% xã có đường ô tô, 80% đường cứng hóa, 90% trường, trạm xây dựng kiên cố... Nhiều mô hình thoát nghèo được nhân rộng là động lực để Như Xuân phấn đấu tăng mức độ giảm nghèo lên 6% cuối năm 2014 và những năm tiếp theo...”